Học nhóm và vai trò của học nhóm
Học nhóm trong sinh viên là cách thức học tập của nhóm người có sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ với nhau để cùng nhận dạng, phân tích và luận giải các vấn đề học tập đặt ra, từ đó lĩnh hội, củng cố và mở rộng kiến thức đã được học và vận dụng chúng trong quá trình thi - kiểm tra đạt kết quả cao.
Trong thời đại mới khi lượng tri thức ngày càng phát triển, làm việc theo nhóm là yêu cầu quan trọng, cần thiết được đặt ra đối với tất cả mọi người. Với sinh viên, học tập theo nhóm là một trong các phương pháp học tập hiệu quả để qua đó rèn cho sinh viên khả năng hợp tác, chia sẻ tình cảm, bồi dưỡng, phát triển tư duy, nâng cao trình độ tri thức.
Học nhóm phát huy khả năng tư duy, trí tuệ của từng cá nhân và cả nhóm, giúp lĩnh hội và giải quyết các vấn đề học tập một cách nhanh chóng và hiệu quả. Quá trình học nhóm giúp sinh viên có điều kiện nắm kiến thức chắc hơn, lâu hơn và đây là cơ hội học hỏi các phương pháp, kinh nghiệm học tập, phương pháp ghi nhớ kiến thức, phương pháp trả lời, làm bài thi của các thành viên khác trong nhóm, từ đó nâng cao chất lượng học tập và thi – kiểm tra của mình.
Các nhà nghiên cứu đã tuyên bố rằng, “cho dù nội dung môn học như thế nào thì sinh viên làm việc theo từng nhóm nhỏ cũng có khuynh hướng học được nhiều hơn những gì được dạy và nhớ lâu hơn so với các hình thức dạy học khác" - theo Barbara Gross Davis, Tools for Teaching.
6 bước để xây dựng quá trình học nhóm
Đầu tiên là thành lập nhóm. Số lượng SV tham gia trong nhóm khoảng 3- 5 thành viên. Cơ cấu nhóm nên có nhóm trưởng, thư ký trong mỗi buổi họp nhóm. Nhóm phải được hình thành trên sự tự giác, tính tích cực, tinh thần trách nhiêm cao của mỗi thành viên và có thể do giáo viên và các lực lượng khác chỉ đạo, hướng dẫn việc thành lập nhóm.
Thứ hai là nghiên cứu cá nhân. Các thành viên tự nghiên cứu, suy nghĩ, giải quyết các câu hỏi ôn tập dưới dạng đề cương, vạch ra các vấn đề khúc mắc, khó hiểu, vấn đề chưa rõ ràng mà tự mình chưa hiểu, chưa giải quyết được cần phải được đưa ra trao đổi. Đồng thời tự ghi lại kết quả nghiên cứu của mình (sản phẩm ban đầu) để trao đổi trong nhóm.
Thứ ba là làm việc nhóm. Giai đoạn này nhóm tiến hành trao đổi, trong đó một thành viên trong nhóm sẽ đưa ra ý kiến trao đổi, các thành viên còn lại chú ý lắng nghe, ghi chép tự rút ra các ưu điểm và nhược điểm của ý kiến đó và đưa ra ý kiến phản biện, bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi (nếu có).
Thứ tư là đưa ra kết luận ban đầu. Nhóm tiến hành kết luận thống nhất các ý kiến trên cơ sở các thành viên đã tham gia vào phân tích, luận giải vấn đề học tập được đưa ra trao đổi dưới sự điều khiển của nhóm trưởng. Lúc này cả nhóm đi đến thống nhất về cách hiểu, cách trả lời, cách trình bày, diễn đạt vấn đề học tập khi thi - kiểm tra.
Thứ năm là hợp tác với giáo viên. Sau khi trao đổi, hợp tác với bạn ở nhóm giai đoạn này sinh viên nên chủ động gặp gỡ, hỏi giáo viên về vấn đề bản thân còn băn khoăn, vướng mắc, chưa hiểu, chưa lí giải rõ ràng, khúc triết để tham khảo thêm ý kiến của giáo viên về sản phẩm học tập của mình, về cách làm bài thi, cách vận dụng tri thức vào thực tiễn.
Cuối cùng là tự vận hành sau sự góp ý của giáo viên. Giai đoạn này sinh viên cần tự kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ sản phẩm nghiên cứu của mình, từ đó tự điều chỉnh, bổ sung nếu chúng cần thiết. Tự rút kinh nghiệm về cách phân tích, luận giải các vấn đề học tập, về cách học, cách làm bài thi - kiểm tra môn học.
5 điều then chốt cần chú ý
Nhóm là một tập thể nhiều cá nhân, mỗi cá nhân lại có một suy nghĩ khác nhau. Nếu phối hợp tốt sẽ có nhiều sáng tạo nhưng nếu không phối hợp tốt sẽ rất dễ xảy ra bất đồng. Vì vậy, cần tuân thủ 5 nguyên tắc sau:
Đầu tiên, tổ chức các nhóm phải chặt chẽ, có cơ cấu tổ chức hợp lý hợp thành thể thống nhất, từng thành viên và nhóm trưởng phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện quy trình học nhóm khi học tập các môn học.
Hai, cần tuân thủ các khâu, các bước của quy trình học nhóm; cần quản lý chặt chẽ kế hoạch học nhóm của mỗi nhóm tránh tạo thành buổi trao đổi ngoài những nội dung học tập.
Ba, phân công nhiệm vụ phù hợp với khả năng, trình độ, sở trường của từng thành viên, mỗi người phải nhận rõ trách nhiệm của mình trong quy trình học nhóm.
Bốn, cần tạo ra bầu không khí trao đổi cởi mở, thân thiện, hợp tác, hỗ trợ nhau cùng tiến bộ; không áp đặt lối suy nghĩ riêng của cá nhân trong quá trình trao đổi, khi họp nhóm cần chú ý tính toán thời gian bảo đảm mỗi cá nhân có đủ thời gian để tiến hành ôn tập riêng trong học tập.
Và cuối cùng, tiến hành rút kinh nghiệm sau mỗi lần học nhóm khi kết thúc môn học kịp thời bổ sung, điều chỉnh cách thức phối hợp hoạt động trong nhóm để nâng cao chất lượng học tập của SV hiện nay.