Ba mất sớm, mẹ hay đau ốm lại còn nuôi đứa em đang học phổ thông, ngay từ năm 13 tuổi, Tô Thị Thanh vừa đi học vừa phải phụ giúp bán hàng để nuôi sống mình. Gia đình là người gốc Hoa, khả năng tiếng Trung Quốc của Thanh cũng thuộc hàng “tốp”.
Ngay từ năm học đầu tiên (Khoa Tiếng Trung, Trường ĐHKHXH-NV), cô đã làm gia sư Tiếng Việt cho một người Hoa đang kinh doanh ở Sài Gòn. Cô nhanh chóng chiếm được cảm tình của “học trò” bởi cách truyền đạt dễ hiểu và sự cần mẫn. Thấy kết quả, vị doanh nhân giới thiệu thêm cho cô một đồng nghiệp cũng có nhu cầu học.
Thời gian đầu, Thanh chỉ dạy một tuần ba buổi, mỗi buổi từ 1,5 đến 2 tiếng. Từ lúc có thêm “học trò”, hầu như Thanh không có ngày nghỉ. Thương cho hoàn cảnh cô, cuối tháng các “học trò” bồi dưỡng thêm tiền. Vào cuối kỳ, phải nghỉ dạy ôn thi, cũng được “học trò” ưu ái trả 50% tiền lương. Thanh cho biết: “Mỗi tháng thu nhập từ nghề gia sư cũng xấp xỉ ba triệu. Số tiền này không chỉ đủ cho mình ăn học mà còn phụ giúp thêm mẹ nuôi em”. Thanh còn bật mí: “Sau khi ra trường, hai vị doanh nhân hứa sẽ xin cho làm việc”.
Sinh viên Phạm Thị Loan đang theo học năm cuối (ngành Hàn Quốc, Trường ĐHKHXH-NV), có vóc người nhỏ nhắn, chân phải bị tật, đi lại khó khăn. Bước vào đại học, Loan mới bắt đầu làm quen với Tiếng Hàn nhưng bằng sự chăm chỉ và khả năng bẩm sinh, chỉ hai năm cô đã giao tiếp khá thành thạo. Trò chuyện với chúng tôi, Loan tỏ ra khá tự tin: “Nhờ có nghiệp vụ và khả năng về ngoại ngữ nên hầu như em chưa gặp trở ngại nào trong công việc”. Ngoài việc dạy Tiếng Việt cho người nước ngoài, Loan còn hỗ trợ ngôn ngữ cho một phó giám đốc công ty người Hàn Quốc, với mức lương 300 USD/tháng.
Còn Hùng - SV Khoa Công nghệ Thông tin, ĐHKHTN lại có vốn Tiếng Anh khá. Anh được nhận làm “cộng tác viên” cho một công ty nước ngoài, đồng thời “kiêm” cả việc gia sư Tiếng Việt cho một vị trưởng phòng kinh doanh người Đức. Riêng khoản lương mỗi tháng cũng trên ba triệu đồng, số tiền này Hùng mua máy tính xách tay và dụng cụ hỗ trợ học tập. Hùng còn khoe: “Thỉnh thoảng còn được theo ông bạn về Đức công tác”.
Phải giỏi cả ngoại ngữ lẫn “nội ngữ”
Để dạy cho người nước ngoài, đòi hỏi các gia sư phải thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và hiểu tường tận về tiếng Việt. Cấu trúc câu và nghĩa trong tiếng Việt phức tạp nên thật không dễ cho cả người dạy và người học. Nhất là những câu thành ngữ, ca dao hay các từ “lóng” của người Việt Nam khi dịch thường bị “rối” nghĩa.
Chẳng hạn với câu “Tôi đến Sài Gòn chỉ mất một giờ thôi” thì người học hay hỏi ngược lại từ “chỉ”, “thôi” là gì? Những trường hợp này, buộc người dạy phải đưa ra nhiều ví dụ tương tự, đồng thời giải thích người ta mới “nuốt trôi” được, Minh Trang, một gia sư “chuyên nghiệp”, chia sẻ về cái khó khi bị “học trò” vặn vẹo…
Tác phong làm việc của người nước ngoài là điều kiện tốt để các gia sư học tập nhưng đồng thời cũng là một thách thức. Nguyễn Thùy Lan, SV Khoa Anh ngữ (ĐH Sư phạm TP.HCM), cho biết: “Họ học rất chăm chỉ, tận dụng hết quỹ thời gian. Thậm chí, có người đã 60 tuổi cũng còn học, do đó rất khó chịu nếu chúng ta tới trễ”. Gặp phải những người khó tính, chỉ cần sai giờ một buổi là bị hủy hợp đồng hoặc nhẹ hơn, không tính lương ngày đó.
Một gia sư cho biết: “Dạy cho người nước ngoài lương cao hơn nhưng bị áp lực rất lớn. Có không ít trường hợp, nhất là người Hàn Quốc, Đài Loan… thường tỏ thái độ với “thầy” của mình như những người làm công vậy”.
Vì thế, không phải ai cũng làm được gia sư Tiếng Việt cho người nước ngoài.
Thạc sĩ Phạm Quang Minh - giảng viên bộ môn Tiếng Anh, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, nhận xét: “Gia sư Tiếng Việt cho người nước ngoài đang là thị hiếu của SV, nhất là SV chuyên ngữ. Nghề này vừa giúp cho các em học ngoại ngữ hiệu quả vừa là nguồn thu nhập đáng kể. Nhưng các em thường khó tìm cho mình một nơi tốt để dạy, bởi sự cạnh tranh của các trung tâm lớn. Rất mong các tổ chức cần phối hợp để hỗ trợ các SV có nhu cầu về vấn đề này”.
Tham khảo thêm : Đăng ký làm gia sư