Trong những năm tháng làm sinh viên, ngoài việc học trên lớp thì nhiều bạn đã bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Với số vốn chỉ khoảng 5-10 triệu, các bạn có thể trở thành chủ một shop nho nhỏ trên Facebook và bắt đầu kinh doanh.
Rất thích sử dụng và khá am hiểu về mỹ phẩm, T. Huyền (sinh viên ĐH Lao động Xã hội) đã bắt đầu bán mỹ phẩm vào năm thứ 2 đại học. Khéo léo nhập hàng tốt, cộng với nhiều mối quan hệ, T. Huyền cảm thấy công việc kinh doanh tốt dần từng ngày: “Vì kinh doanh qua mạng, chủ yếu up ảnh và quảng bá sản phẩm online, nên mình không mất tiền thuê mặt bằng. Trừ mọi chi phí, mỗi tháng mình có thể kiếm được từ 4-5 triệu.”
Nhận thấy cơn sốt dầu dừa chưa hề giảm nhiệt, Quỳnh Hương (sinh viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền) đã cùng bố tự sản xuất dầu dừa ở quê rồi mang ra Hà Nội bán. Nguyên vật liệu ở quê rẻ hơn, giá thành dầu dừa của Hương khá cạnh tranh. Hàng ngày, Hương nhận được hàng trăm đơn hàng sỉ, lẻ ở khắp nơi trong thành phố.
Và những hệ lụy
Cùng dấn thân vào con đường kinh doanh đầy mạo hiểm, không phải ai cũng thành công, rất nhiều bạn sinh viên cũng gặp nhiều phen lao đao khi chưa thực sự chín chắn trong nghề.
Xuân Ngọc (sinh viên ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) nhớ lại: “Hồi đó, mình thường nhập váy ở chợ Ninh Hiệp, Bắc Ninh về bán. Do trưa nắng nên mình không cẩn thận xem kỹ hàng, đến khi mang về thì ôi thôi cả lô váy đều bị may lỗi, kiểu dáng và vải khác xa so với những gì đã giao kèo.”
Nhiều chủ cửa hàng online cũng liên tục than vãn vì gần đây, Google và Facebook đang giảm tần suất xuất hiện của cửa hàng trong khi vẫn giữ nguyên giá quảng cáo hàng tháng. Thành Nam (chủ một cửa hàng bán đồ thời trang nam online) cho hay: “Facebook không ghim bài về shop của mình trên "newfeed" với tần suất như trước, khiến hiệu quả truyền thông lẫn doanh thu của shop mình giảm đáng kể. Facebook đang giết chết công việc kinh doanh của mình.”
Chưa hết, câu nói: “Thương trường là chiến trường” luôn đúng trong mọi hoạt động kinh doanh, để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình, nhiều bạn sinh viên đã vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với những chủ shop khác, khi phải tìm mọi cách để lôi kéo khách hàng về phía mình. Nhiều tình bạn thậm chí cũng bị rạn nứt trong cuộc chiến khốc liệt này.
Đam mê kinh doanh và làm giàu, nhiều sinh viên lơ là, bỏ bê chuyện học hành dẫn đến việc phải dùng chính những đồng tiền lãi từ việc kinh doanh để đóng tiền học lại.
Thành công với việc kinh doanh, khiến T.Huyền không có thời gian và tâm trí để học tập. “Mỗi kỳ mình học lại từ 3-4 môn, tiền học lại cũng khá cao. Vì vậy hết năm 3 mình quyết định nghỉ kinh doanh để tập trung học tập.”
Chưa kể việc quảng cáo và mời chào mua hàng một cách quá đà từ các chủ cửa hàng, khiến nhiều bạn sinh viên cảm thấy phiền phức và ái ngại vì “không thể mua ủng hộ mãi được”!
Kinh doanh có thể là một sự trải nghiệm, một niềm đam mê, tuy nhiên việc xác định được ranh giới để cân bằng giữa việc học tập và kinh doanh thì không phải bạn sinh viên nào cũng làm được.