35 học sinh mỗi lớp, hay nhưng quá khó (17/07/2015)
Nhiều ý kiến cho rằng, các trường tiểu học ở thành phố lớn đang quá tải với sĩ số 50-60 học sinh thì việc thực hiện quy định không vượt quá 35 em mỗi lớp là điều cực kỳ khó.
Dự thảo điều lệ trường tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây quy định mỗi lớp không quá 35 học sinh, nhiều phụ huynh đồng tình với điểm trên và cho rằng chất lượng các lớp học sẽ được nâng cao hơn. Chị Phương Linh có con đang theo học lớp 1 tại trường tiểu học ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, lớp con chị có hơn 60 cháu, có một cô giáo và một trợ giảng. Sĩ số là quá đông, nhiều học sinh thấp bé khi bị xếp ngồi dưới lớp sẽ gặp khó khăn khi tiếp thu bài giảng. Hiện ở các lớp tiểu học, giáo viên vẫn luân phiên đổi chỗ học sinh sau 2-3 tuần.
"Tôi đồng tình với việc quy định lớp học không quá 35 học sinh để đảm bảo chất lượng học tập. Tuy nhiên, thành phố phải tăng cường xây dựng trường học để giảm sỹ số tại các lớp học, chứ không được đẩy các em sang các trường tư thục và làm gia tăng áp lực xin học cho con vào các trường công lập", chị nói.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, theo chị Linh, chương trình giáo dục tiểu học cần thêm các môn học kỹ năng như bơi lội, an toàn cá nhân, có thời lượng đi dã ngoại, tham quan bảo tàng… để học sinh có thêm kỹ năng sống và kiến thức lịch sử từ khi còn nhỏ.
Nhiều trường tiểu học ở các thành phố lớn hiện nay đang quá tải với sĩ số lớp dao động từ 50-60 học sinh.
Đồng quan điểm với chị Linh, anh Minh Kha, phụ huynh có con theo học tại trường Tiểu học Long Biên cho rằng, việc quy định sĩ số 35 học sinh là hợp lý. Hiện nay, nhiều trường tiểu học đang quá tải bởi tâm lý phụ huynh đều muốn cho con mình theo học ở những nơi có điều kiện giảng dạy tốt nhất. Anh bày tỏ, việc triển khai quy định trên ở các vùng nông thôn không khó, nhiều vùng khó khăn còn không đến 35 học sinh mỗi lớp. Riêng đối với đô thị lớn thì việc tăng cơ sở vật chất trường học không thể tương ứng được với tốc độ tăng dân số.
Lớp học của con gái anh Kha có 54 em. Theo vị phụ huynh này, các em còn nhỏ nên không để ý, chỉ cho rằng lớp càng đông thì càng vui, có nhiều bạn chơi. Nhưng thực tế lớp học đông quá thì chất lượng học tập, tiếp thu bài trên lớp của các cháu sẽ bị giảm.
"Nếu đưa quy định này vào thực tế, thì ngoài vai trò của Bộ, của trường học, lãnh đạo thành phố cũng cần quan tâm đến việc dành quỹ đất để xây thêm trường học, giúp các trường công giảm tải học sinh chứ không phải để dành đất xây chung cư, làm dự án này, xây trung tâm thương mại nọ. Để đến khi phụ huynh đi xin học cho con toàn phải xếp hàng từ nửa đêm, rất nhiêu khê", anh bày tỏ quan điểm.
Xuất phát từ thực tế giảng dạy, nhiều giáo viên cho rằng quy định trên không khả quan nếu thực hiện ở các thành phố lớn. Theo cô giáo Trần Linh Chi, giáo viên tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội) thì con số 35 học sinh mỗi lớp chỉ là con số trên lý thuyết còn thực tế, các trường tiểu học ở thành phố lớn như Hà Nội thì hầu như quá tải. Chỉ những vùng khó khăn, vùng nông thôn mới đảm bảo được chuẩn số học sinh trên. . óố trí lớp học khó, học sinh làm việc nhóm khó, không quan tâm được đến chất lượng học sinh.
Cô Chi chủ nhiệm lớp 3 với hơn 60 học sinh, gần gấp đôi so với quy định chuẩn. Những khó khăn cô giáo này gặp phải là bố trí lớp học khó, học sinh làm việc nhóm khó, cô giáo không quan tâm được hết học sinh. Chưa kể khối lượng công việc, ghi nhận xét nhiều gấp đôi. Học sinh đông, bàn ghế chật chội. Buổi học bình thường thì không sao, nhưng mỗi khi có dự giờ là cô Chi lại đau đầu bố trí sao cho các em ngồi quây thành vòng tròn để thảo luận nhóm.
Khi chuẩn bị kết thúc năm học, cô phải vừa ghi nhận xét, vừa hoàn thành tổng kết vào học bạ cho hơn 60 học sinh trong vòng 4 ngày, ngày nào cũng phải thức đến gần sáng mới được đi ngủ. Chưa kể trong lớp có vài học sinh yếu thì phải dành rất nhiều thời gian để quan tâm các em. Quan tâm đến em này thì sẽ bỏ bê em khác. Do vậy, nhiều việc làm chỉ mang tính hình thức, đối phó cho qua bởi giáo viên không đủ sức để quán xuyến tất cả khi lớp quá đông.
Theo cô Chi, quy định mỗi lớp 35 học sinh nếu thực hiện được sẽ giúp "giảm tải" áp lực đứng lớp cho giáo viên."Nhưng quy định có thực hiện được hay không thì còn phải chờ đợi. Bởi sĩ số các lớp học nhiều năm qua vẫn luôn duy trì ở mức cao, không có cái thiện. Trường không có quỹ đất, không thể cơi nới thêm phòng học. Qua mỗi năm, số đơn phụ huynh đăng ký cho con đi học chỉ có tăng chứ không có giảm", cô Chi cho hay.
Theo cô giáo này, quy định trên có thể thực hiện với những vùng nông thôn, vùng núi bởi dân số thưa, học sinh ít, hầu như các xã đều có trường tiểu học. Còn trên thực tế với những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM hoặc các vùng đông dân cư ở một số tỉnh thì quy định này thực sự không linh hoạt bởi cơ sở vật chất lẫn lực lượng giáo viên không đủ đáp ứng được quy định trên.
Cô Tâm, hiệu trưởng một trường tiểu học chia sẻ: "Quy định này giúp nâng cao chất lượng cho cả giáo viên và học sinh, nhưng nhiều trường học hiện nay không đủ cơ sở vật chất để duy trì sĩ số mỗi lớp 35 học sinh". Cô cho biết, trường học nơi cô quản lý không đủ điều kiện đạt chuẩn mức độ 2 bởi lý do vượt mức số học sinh trên tổng số không gian cho phép. Theo quy định, tối thiểu mỗi học sinh phải có 10m2 không gian phòng học lẫn sân chơi. Trường cô có 1.800 học sinh mà diện tích không đủ nên nhiều năm rồi vẫn chỉ đạt chuẩn mức độ 1.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, nhiều năm nay, Hà Nội đã cố gắng xây dựng thêm các trường học, phòng học... nhằm cung cấp thêm chỗ học cho học sinh và giảm sĩ số ở các lớp quá đông. Tuy nhiên dân số tăng cơ học quá nhanh, với số lượng quá lớn nên các phòng học tăng lên không đáp ứng kịp.
"Trong hai năm qua, quận Long Biên tăng ba trường tiểu học, quận Cầu Giấy xây thêm 3 trường mới, các quận khác như Thanh Xuân cũng xây mới và mở rộng thêm phòng học nhưng vẫn không kịp với tốc độ tăng dân cư, khiến sĩ số các lớp học vẫn vượt quá 35 cháu trên mỗi lớp", vị lãnh đạo nói.