4 đề xuất nhằm đổi mới giáo dục phổ thông (05/05/2015)
Từ những hiểu biết và trải nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy ở nhà trường THPT, thạc sĩ Hồ Tấn Nguyên Minh mạnh dạn đề xuất một số hướng đi mà bản thân nghĩ là hữu ích.
Tôi nảy sinh ý định viết bài này khi đọc lại bài phỏng vấn ông Lý Quang Diệu, chính khách nổi tiếng của Singapore tại TP HCM tháng 1/2007. Khi được hỏi “Thách thức lớn nhất đối với Singapore hiện nay là gì?”, ông trả lời: “Thế giới đang thay đổi là thách thức lớn nhất. Nếu chúng tôi tự mãn với những gì có được thì chúng tôi nhanh chóng bị tụt hậu và sẽ bị các nước khác vượt qua”.
Khẳng định của Lý Quang Diệu cho thấy chúng ta đang phải đối diện với một thời đại đầy biến động, một thế giới đang từng ngày, từng giờ thay đổi và phát triển với một tốc độ chóng mặt. Trong thế giới ấy, sự cạnh tranh là vô cùng dữ dội, khốc liệt đòi hỏi mỗi con người, mỗi quốc gia dân tộc phải nỗ lực không ngừng nếu không muốn bị đẩy lùi về phía sau. Nói như Friedman trong quyển Thế giới phẳng “cả thế giới phải thức dậy sớm hơn và chạy nhanh hơn”.
Yêu cầu khá khắc nghiệt của thời đại toàn cầu hóa đặt giáo dục Việt Nam trước rất nhiều thử thách mà lớn nhất là phải làm sao đào tạo được những con người thực sự năng động, sáng tạo, có đầy đủ năng lực và phẩm chất để có thể ứng phó với mọi biến động của xã hội. Nhìn lại nền giáo dục nước nhà trong thời gian qua, dẫu lạc quan đến đâu vẫn phải thừa nhận rằng chúng ta vẫn còn lạc hậu khá xa so với thế giới dù có nhiều nỗ lực.
Với cách dạy học áp đặt, một chiều, đóng khung kiến thức và suy nghĩ của học sinh vào những lối mòn định sẵn, chúng ta đào tạo ra khá nhiều con người giỏi ghi nhớ, học thuộc lòng theo kiểu “tầm chương trích cú” nhưng lại kém khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, khi va chạm với thực tế thì tỏ ra khá vụng về, lúng túng. Thực tế đòi hỏi giáo dục phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng thiết thực để có thể theo kịp với tốc độ phát triển như vũ bão của thời đại. Trong khuôn khổ bài viết này, từ những hiểu biết và trải nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy ở nhà trường THPT, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số hướng đi mà bản thân nghĩ là hữu ích mong mạn đàm với bạn đọc gần xa.
Dạy học theo định hướng năng lực, kích thích sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập của học sinh
Cách dạy học ở ta cho đến nay vẫn chủ yếu theo mô hình thụ động: Thầy thuyết giảng; học sinh lắng nghe, ghi nhớ để đến giờ kiểm tra thì trả lời lại gần như nguyên vẹn những gì thầy giảng. Cho nên cái mà học sinh tạo ra tuyệt nhiên không phải là sự sáng tạo của riêng các em mà chỉ đơn thuần là sự sao chép kiến thức đã được mặc định trong sách hay trong bài giảng của thầy cô. Với cách dạy học như thế, học sinh sẽ khó có thể thoát ra khỏi cái bóng của thầy cô giáo để trở thành một cá nhân độc lập trong tư duy và sáng tạo. Sản phẩm của giáo dục vì thế sẽ là hàng trăm, hàng nghìn con người na ná nhau như một sự “đồng phục” từ kiến thức cho đến lối suy nghĩ.
Để kích thích sự sáng tạo và khả năng tư duy độc lập của học sinh đòi hỏi một sự thay đổi bắt đầu từ quan niệm của người dạy. Mỗi thầy cô giáo tùy vào điều kiện cụ thể của mình mà tạo ra cho học sinh một môi trường học tập thực sự cởi mở, năng động, dân chủ tạo điều kiện tối đa để học sinh tự do sáng tạo, tự do tư duy, tự do thể hiện quan điểm, chính kiến của mình.
Trong quá trình ấy, người thầy từ chỗ là nhân vật trung tâm bắt buộc học sinh phải tuân thủ theo lời mình trở thành người tư vấn, hướng dẫn, khơi gợi đam mê; còn học sinh từ chỗ thụ động, phụ thuộc vào thầy cô giáo trở thành nhân vật trung tâm, tự do suy tư, sáng tạo, hình thành cho mình một năng lực riêng để có thể ứng phó với mọi tình huống trong xã hội. Trọng tâm của quá trình dạy học sẽ chuyển từ chỗ dạy cho học sinh biết được, hiểu được đến chỗ dạy cho học sinh tự mình làm được. Muốn thế, người thầy phải thực sự tôn trọng cá tính riêng, suy nghĩ riêng của học sinh, tránh một cái nhìn định kiến, áp đặt.
Tăng cường dạy phương pháp học và hướng dẫn tự học cho học sinh
Trong quyển sách nổi tiếng Thế giới phẳng, tác giả Friedman viết: “Kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong một thế giới phẳng là khả năng học phương pháp học – nghĩa là thường xuyên tiếp thu và học hỏi những phương pháp mới để làm những công việc cũ hay những phương pháp mới để làm công việc mới”. Đây là một quan điểm đúng đắn và tiến bộ về giáo dục.
Thực tế chỉ ra rằng việc học sẽ đem lại hiệu quả rất cao nếu học sinh được trang bị một phương pháp học tập khoa học, đúng đắn. Học tập mà không có phương pháp sẽ giống như “dã tràng xe cát”, phải bỏ ra rất nhiều thời gian trong khi kết quả thu được lại chẳng có gì đáng kể. Vì vậy mà bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, người thầy cần phải hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự nghiên cứu, tự tiếp cận và giải quyết vấn đề để các em có thể tự mình khám phá tri thức ở nhiều nguồn khác nhau mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô giáo.
Cần thấy rằng một người thầy dù giỏi đến đâu cũng không thể nào truyền đạt cho học sinh tất cả kiến thức, không thể “cầm tay chỉ việc” cho các em trong tất cả mọi vấn đề. Cho nên người thầy giỏi không phải là người thầy nhồi nhét cho học sinh được nhiều kiến thức mà phải có khả năng truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê để các em say sưa nghiên cứu, tìm tòi. William A. Warrd thật có lý khi cho rằng “Người thầy trung bình chỉ biết nói/ Người thầy giỏi biết giải thích/ Người thầy xuất chúng biết minh họa/ Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.
Giảm kiến thức nặng nề, hàn lâm; tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống
Đa số nhà giáo dục có uy tín của nước ta hiện nay đều thống nhất với nhau ở một điểm là chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam còn nặng tính hàn lâm, lượng kiến thức được đưa vào giảng dạy trong nhà trường quá nhiều, trong đó có một số kiến thức nặng nề và không thực sự cần thiết ở bậc học này. Trong khi đó dù đã có những quan tâm bước đầu, nhưng chương trình giáo dục đạo đức cũng như giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vẫn chưa được chú ý đúng mức. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến rất nhiều học sinh Việt Nam khi từ giã học đường cảm thấy rất khó khăn khi thích ứng với xã hội. Và có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến văn hóa học đường ngày càng xuống cấp.
Cần thấy rằng học sinh THPT ra trường có nguyện vọng trở thành nhà khoa học, nhà chuyên môn không nhiều. Trong khi đó em nào cũng phải chuẩn bị cho mình một nhân cách, một kỹ năng cần thiết để có thể hòa nhập với cuộc sống, ứng phó với những tình huống khác nhau trong xã hội. Do đó ngay từ trong nhà trường phổ thông, cần thiết phải giáo dục cho các em cách sống, văn hóa sống cũng như những kỹ năng sống như: kỹ năng xử lý vấn đề, trình bày vấn đề, phản biện, tổ chức, hợp tác, nói trước đám đông…
Chú trọng phát triển năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin
Thời đại toàn cầu hóa đòi hỏi mỗi quốc gia nếu muốn phát triển thì phải tăng cường hội nhập, hợp tác với các quốc gia khác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, công nghệ… Một trong những chiếc chìa khóa để mở cánh cửa hội nhập là con người cần phải được trang bị năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin đủ để giao tiếp và khám phá thế giới bên ngoài. Có năng lực ngoại ngữ, người Việt Nam sẽ dễ dàng học tập, làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau. Có năng lực công nghệ thông tin, người ở những khu vực hẻo lánh, xa xôi nhất cũng sẽ có cơ hội sở hữu thông tin như người thành thị vì phần lớn thông tin của thế giới hiện nay đều được đăng tải trên mạng Internet.
Năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin vì thế là một trong những năng lực quan trọng nhất mà con người hiện đại cần được trang bị ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng thực tế chỉ ra rằng cách dạy ngoại ngữ và công nghệ thông tin trong trường phổ thông hiện nay còn nhiều điểm phải xem lại. Học sinh được trang bị khá nhiều những mẹo mực để đối phó với những bài kiểm tra văn phạm môn Ngoại ngữ, trong khi đó kỹ năng nghe, nói, đọc, viết lại rất kém. Các em được dạy nhiều lý thuyết về các chương trình Tin học trong khi kỹ năng ứng dụng lại ít được chú ý. Điều này đòi hỏi trong thời gian tới cần phải có những thay đổi cần thiết trong giáo dục ngoại ngữ và tin học để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời đại.
Trên đây là một vài suy nghĩ của riêng tôi về những thay đổi cần thiết của nền giáo dục phổ thông Việt Nam hướng đến mục đích đào tạo ra được những con người có khả năng thích ứng và phát triển trong một thời đại đầy năng động và phức tạp. Tuy nhiên, để thực hiện được những thay đổi ấy trong điều kiện nền giáo dục còn khá cứng nhắc và bảo thủ như hiện nay không phải là chuyện dễ dàng. Không phải một người nói thay đổi là thay đổi được mà phải có sự đồng bộ trong cả một hệ thống giáo dục. Nhưng điều quan trọng nhất để thực hiện được đổi mới theo tôi vẫn là sự nỗ lực thay đổi của những con người trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục, tức là những thầy cô giáo và các em học sinh.