Hơn 2.500 câu hỏi được độc giả VnExpress.net gửi đến bác sĩ trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 Nguyễn Thị Hoa và trưởng khoa dinh dưỡng Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch Đào Thị Yến Phi, nhờ tư vấn trực tuyến về dinh dưỡng giúp trẻ thông minh. Hai bác sĩ đều khuyên bố mẹ nên tập cho bé theo một chế độ ăn đủ chất, ngủ sớm đúng giờ để đảm bảo dinh dưỡng cho bé phát triển.
- Con trai tôi năm nay 23 tháng tuổi, nặng 13 kg, cao 83 cm. Như vậy cháu có phát triển bình thường? Và nhu cầu DHA ở lứa tuổi này là bao nhiêu thì đủ? Bổ sung DHA như thế nào? Xin cảm ơn bác sĩ. (Nguyễn Thị Hiền, 30 tuổi).
- Thạc sĩ - Bác sĩ Đào Thị Yến Phi: Chào bạn, cân nặng của con bạn ở trong mức bình thường thậm chí hơi thừa một chút, trong khi chiều cao nằm ở mức trung bình thấp. Có lẽ nên tập trung vào các thực phẩm giúp tăng chiều cao (sữa) và hạn chế bớt các thực phẩm làm tăng cân do nhiều năng lượng như chất béo, chất bột... Bạn có thể bỏ bớt một bữa ăn chính và thay bằng 200 ml sữa. Lượng DHA cần thiết trong độ tuổi này khoảng 75 mg một ngày. Nếu dùng sữa đã có bổ sung DHA thì thường không sợ thiếu.
- Bác sĩ cho em hỏi làm sao giúp trẻ hết biếng ăn và có hứng thú khi ăn. Chế độ dinh dưỡng như thế nào để trẻ được thông minh? (Ngô Thị Thúy Nga, 27 tuổi)
- Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa: Trẻ biếng ăn có nhiều nguyên nhân: sinh lý, tâm lý, bệnh lý... nên quan trọng nhất bạn phải biết nguyên nhân biếng ăn của con bạn là gì thì can thiệp mới hiệu quả. Chế độ dinh dưỡng giúp cho trẻ thông minh: bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nếu không có sữa mẹ thì chọn những sữa công thức có bổ sung đủ hàm lượng DHA và ARA và các vi chất dinh dưỡng khác, ăn dặm đúng và đủ 4 nhóm thức ăn đảm bảo trẻ không bị suy dinh dưỡng và không bị béo phì. Kết hợp với giáo dục đúng lứa tuổi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ.
- Vợ tôi vừa mang thai khoảng 6 tuần, xin cho tôi biết cần cung cấp hàm lượng DHA như thế nào? Cần ăn những thức ăn nào và uống loại sữa nào để cung cấp hàm lượng DHA. Xin tư vấn, chân thành cảm ơn. (Ha Quoc Bao, 33 tuổi)
- BS Hoa: DHA có trong các loại thực phẩm sau: cá, trứng, sữa có bổ sung DHA nên bạn cần ăn nhiều các loại thực phẩm đó để đảm bảo lượng DHA cho bạn và cho bé. Số lượng DHA sẽ đủ nếu bạn đảm bảo ăn đủ 4 nhóm thức ăn và 2 ly sữa trong một ngày.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa tại tòa soạn VnExpress.net. |
- Tôi có 2 con gái bé lớn 6 tuổi cân nặng 18 kg, bé nhỏ hơn 3 tuổi cân nặng 13 kg, con tôi rất kén ăn, hàng ngày bé ăn rất ít mỗi buổi ăn không hết chén cơm, thức ăn cũng rất kén, buổi ăn sáng cũng ít, có cho bé uống thêm sữa nhưng cả 2 bé uống sữa cũng ít. Cả 2 bé đều không ăn quà vặt nhiều. Xin bác sĩ cho hỏi ăn như thế con tôi có bị thiếu chất không? Có cách nào cho bé ăn và uống sữa nhiều hơn không? Bé rất hiếu động vẫn chơi và hoạt động bình thường. Xin cảm ơn bác sĩ (Tuyết Lan, 33 tuổi)
- BS Hoa: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bé gái 6 tuổi cân nặng trung bình từ 15,3 kg đến 20,2 kg và bé gái 3 tuổi nặng trung bình từ 10,8 kg đến 13,9 kg. Như vậy 2 con của bạn đều có tình trạng dinh dưỡng tốt, bé không bị suy dinh dưỡng, điều đó có nghĩa là lượng ăn của bé như vậy là phù hợp, bạn không nên ép bé quá sức làm bé càng biếng ăn hơn. Lượng sữa trong một ngày của bé chỉ cần 300 ml, nếu bé không uống sữa thì bạn có thể bổ sung bằng các thực phẩm làm bằng sữa như yaourt, phô mai... sau khi ăn.
- Chào bác sĩ, bé nhà tôi năm nay được gần 3 tuổi nhưng bé rất lười ăn, ít chịu uống sữa. BS có thể cho biết, việc biếng ăn như vậy có anh hưỡng đến trí não của bé hay không? Có cách nào để giúp bé thích thú với việc ăn uống hơn không? Và làm thế nào để bảo đảm con tôi vẫn được cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng? (Đào Duyên Anh, 33 tuổi)
- BS Yến Phi: Việc biếng ăn chỉ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của trẻ khi biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng. Vấn đề cần thiết nhất là bạn phải tìm ra chính xác nguyên nhân gây biếng ăn cho trẻ và điều trị nguyên nhân đó, nếu không sẽ không có không cách nào để đảm bảo cung cấp đủ thành phần dinh dưỡng cho trẻ khi trẻ không chịu ăn hay không thể ăn đủ khẩu phần hàng ngày.
Các nguyên nhân thường gặp nhất của biếng ăn là trẻ bị bệnh (thường gặp nhất là các bệnh lý ở đường hô hấp trên như viêm mũi họng, viêm amidan...); biếng ăn tâm lý do mẹ cho ăn các loại thức ăn không phù hợp với khẩu vị và nhu cầu (ví dụ mẹ cho ăn thịt cá nhiều hơn cơm, cháo, cho ăn vặt trước các bữa chính, không cho trẻ ăn những thức ăn trả ưa thích mà chỉ tập trung vào các thức ăn mẹ nghĩ rắng tốt). Nếu trẻ có suy dinh dưỡng thì tình trạng biếng ăn là do hệ tiêu hóa hoạt động kém, thiếu men tiêu hóa...
Như vậy, trước mắt, bạn nên bố trí lại các bữa ăn trong ngày cho con: các bữa chính chỉ tập trung vào chất bột (cho bé ăn cơm không, hay cơm với nước tương tùy thích), sau đó cho thêm một phần trái cây. Bữa ăn chính kéo dài trong đúng 30 phút, tập trung vào bữa ăn không xem TV hay chơi bất cứ trò chơi nào khác. Sau bữa chính 2h, bạn cho bé ăn một bữa phụ khoảng nữa chén thức ăn tùy thích của bé. Lượng sữa trong ngày không cho uống thành bữa mà cho uống lai rai suốt ngày như uống nước (cho uống khi bé khát, nếu bé không uống sữa thì không cho uống nước). Tổng lượng sữa uống thay nước trong ngày có thể lên đến 800-1.000 ml mỗi ngày. Không cho ăn vặt thêm bất cứ thứ gì ngoài các thực phẩm trên đây trong vòng ít nhất 2 tuần. Sau hai tuần khi bé đã ăn lại bình thường, có thể bắt đầu tăng cho ăn thịt cá trong bữa chính, nhưng không quá 30 gr mỗi bữa.
- Bé từ lúc mới sinh đến giờ 4 tháng tuổi thường xuyên bị ọc sữa (ngày nào cũng bị ọc), xin BS cho biết nguyên nhân. Cho xin hỏi thêm là thường trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên hay bị rối loạn tiêu hóa, xin BS cho biết cách đề phòng. Xin cảm ơn. (Nguyen Quang Phuc, 32 tuổi, TP HCM)
- BS Yến Phi: Chào Phúc, có rất nhiều nguyên nhân làm cho trẻ dưới 6 tháng tuổi bị ọc ói, nguyên nhân thường gặp nhất là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản sinh lý. Tình trạng này thường gặp ở những trẻ sinh non, háu bú, cho bú lúc ngủ... Nếu muốn chẩn đoán chính xác thì phải cho trẻ đi siêu âm dạ dày để tìm các sóng trào ngược. Cách hạn chế ọc ói là nên cho bé bú thành nhiều bữa nhỏ, sau bú cho ợ hơi, lúc ngủ vẫn cho nằm đầu cao trên 30 độ.
Trẻ 4-6 tháng vẫn chưa cho ăn dặm mà sữa vẫn là thức ăn hoàn toàn và duy nhất của trẻ. Chính vì vậy cách phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở giai đoạn này vẫn là vệ sinh bình sữa, núm vú, tay người chăm sóc đúng cách và cẩn thận. Cần lưu ý bình sữa và núm vú phải được nấu sôi chứ không phải tráng qua nước sôi. Bạn chưa cần cho thêm bất cứ thứ gì ngoài sữa kể cả nước trái cây.
- Tôi muốn hỏi thường thì trẻ phát triển trí nào tốt nhất khoảng mấy tuổi? Con trai tôi 9 tuổi cân nặng 40 kg, cao 1m41 thì nhu cầu về dinh dưỡng như thế nào là tốt nhất cho bé ạ? (Trinh Hiền, 37 tuổi)
- BS Hoa: Tế bào não và hệ thần kinh của trẻ phát triển và hoàn thiện nhanh nhất từ 3 tháng cuối của thai kỳ cho tới 3 tuổi. Chiều cao của con bạn rất tốt và cân nặng phù hợp với chiều cao nên có là 27-35 kg, như vậy con bạn đã bị dư cân. Bạn nên đưa bé di khám tại các phòng khám dinh dưỡng để điều trị cho bé. Trước mắt bạn hãy giảm thức ăn ngọt, béo như cơm, mì, phở, nước ngọt thịt cá béo và tăng rau, trái cây cho bé. Đồng thời phải cho bé tăng thời gian hoạt động ngoài trời, giảm thời gian hoạt động tĩnh như: tivi, game, máy tính...
![]() |
Bác sĩ Đào Thị Yến Phi. |
- Con trai tôi được gần 5 tháng tuổi, tôi thấy đầu cháu hơi to và mọc rất nhiều cứt trâu mặc dù tôi đã cho con gội đầu bằng quả chanh và dầu gội đầu), con tôi bú sữa mẹ hoàn toàn, hiện nay con tôi được gần 9 kg. Xin hai chị tư vấn giúp tôi xem con tôi có bị thiếu canxi hay không mà đầu cháu mọc nhiều cứt trâu quá. (Nguyen Hong Thuy, 39 tuổi)
- BS Hoa: Chúc mừng bạn vì con bạn đã bú sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn này nên tình trạng dinh dưỡng của cháu rất tốt (cân nặng trung bình của lứa tuổi này là từ 6 kg đến 9,3 kg ). Để định đầu bé có thật sự to hay không thì bạn phải cho số đo thật sự của vòng đầu, nhưng chuyện đầu to và cứt trâu thì không liên quan gì đến việc thiếu canxi. Việc bé có nhiều "cứt trâu" liên quan đến vấn đề cơ địa, bạn chỉ cần giữ vệ sinh sạch sẽ và từ từ lớn lên bé sẽ hết, không nên cố tình bóc "cứt trâu" sẽ làm bé bị nhiễm trùng.
- Con trai em 16 tháng tuổi, không chịu uống sữa từ 10 tháng tuổi dù làm mọi cách, em lại bị mất sữa từ đầu. Em hay cho sữa bột vào cháo, bột cho cháu ăn. Em làm như thế có được không? Con em không uống được sữa thì nên bổ sung thêm những loại thức ăn nào? Xin bác sĩ tư vấn giúp. (Nguyễn Lan Hương, 27 tuổi)
- BS Yến Phi: Hương thân mến! Không thể có một loại thực phẩm nào có thể thay thế được sữa cho trẻ em, vì vậy, bạn không nên tìm cách lừa để cho con dùng sữa mà nên tập cho con thói quen uống sữa và sự thích thú với sữa. Cần nhớ rằng trẻ cần được cho uống sữa đến hết tuổi dậy thì.
Cách tập cho trẻ uống sữa thật ra rất đơn giản là cho trẻ uống sữa thay nước. Trong thời gian tập, không cho bé uống nước, nước trái cây... nói chung là bất kỳ loại nước nào, đưa sữa cho bé uống khi bé khát, có thể ướp lạnh sữa nếu bé thích uống lạnh. Ngoại trừ sữa chua, sữa đậu nành, sữa đặc có đường và sữa cao năng lượng, có thể cho bé dùng bất kỳ loại sữa nào miễn là hợp khẩu vị của bé.
Bé có thể uống một số lượng rất ít khoảng 5-10 ml mỗi lần, nhưng các lần uống sữa liên tục nhau, cách khoảng 5-10 phút một lần. Nhu cầu nước hàng ngày hiện nay của bé là vào khoảng 1.000 ml mỗi ngày, nên nếu cho uống sữa thay nước, bé có thể uống được tối thiểu 800 ml mỗi ngày. Thời gian tập thường cần khoảng 1 tuần, nhưng việc uống sữa thay nước có thể kéo dài nhiều năm đến khi tình trạng dinh dưỡng nhất là chiều cao của bé đạt mức tối ưu.
Em không nên cho sữa vào trong cháo, bột vì sẽ làm cho vị giác của bé bị rối loạn giữa các vị ngọt và mặn, làm cho bé ngày càng không cảm nhận được vị của các thực phẩm nhiều hơn. Vì không có thức ăn nào có thể thay thế sữa hoàn toàn, nên tốt nhất ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày, em nên tập cho con uống sữa thay nước như trên.
- Tôi nhờ bác sĩ tư vấn những thành phần dinh dưỡng nào có trong các loại thực phẩm nào hay uống sữa như thế nào để đảm bảo hàm lượng DHA đầy đủ cho trẻ (con tôi hiện nay được 11 tháng tuổi)? (Đào Duyên Anh, 33 tuổi)
- BS Yến Phi: Nhu cầu DHA cho trẻ trong độ tuổi này vào khoảng 75 mg mỗi ngày. DHA có nhiều trong các thực phẩm như trứng, tôm, gan, cá hồi, cá ngừ... Tuy nhiên, trẻ ở độ tuổi này thường ăn rất ít, nên cũng có thể các thức ăn sẽ không cung cấp đủ DHA theo nhu cầu. Nếu trẻ đang bú sữa mẹ, nên lưu ý việc bổ sung các thực phẩm giàu DHA vào trong khẩu phần ăn của mẹ. Nếu trẻ dùng sữa công thức, các loại sữa có bổ sung DHA thường cũng có thể cung cấp đủ cho nhu cầu của trẻ.
- DHA trong sữa bột qua nhiều công đoạn chế biến công nghiệp liệu có đảm bảo được chất lượng tốt như DHA có trong thực phẩm tươi sống như trứng, hải sản…? Tính chất của DHA giúp bé tăng cường phát triển trí não thông minh hơn tốt nhất là nên bổ sung cho bé từ trong bụng mẹ, vậy ta phải cung cấp DHA cho trẻ cho đến khi nào? Con tôi đã 10 tuổi rồi có cần phải bổ sung DHA không ạh? (Ha Cam Phung, 34 tuổi)
- BS Hoa: Việc đảm bảo hàm lượng DHA đủ cho tới người sử dụng là trách nhiệm của nhà sản xuất, họ đã tính toán đủ những tiêu hao trong quá trình sản xuất cho nên có thể nói rằng hàm lượng DHA được công bố bởi các công ty có uy tín sẽ đủ số lượng khi sử dụng. Vì lợi ích của DHA với sự phát triển tế bào thần kinh và võng mạc của trẻ nên cần bổ sung DHA từ 3 tháng cuối của thai kỳ cho tới 3 tuổi bằng cách là mẹ ăn nhiều thực phẩm giàu DHA và cho con bú sữa mẹ. Nếu không có sữa mẹ thì cho trẻ bú sữa công thức có bổ sung đủ hàm lượng DHA (17 mg/100 kcal). Con bạn đã 10 tuổi vẫn cần thiết bổ sung DHA từ nhiều nguồn thực phẩm khác nhau: cá, trứng, sữa... và các thực phẩm có tiền chất DHA (đậu nành, gan...)
- Mong bác sĩ vui lòng tư vấn giúp tôi. Con tôi nay được 7,5 tháng, cân nặng 7 kg. Cháu bú một ngày khoảng 720 ml sữa công thức (cháu hoàn toàn bú sữa công thức). Từ tháng thứ 5 tôi đã cho bé ăn dặm nhưng bé rất lười ăn. Mong Bác sĩ cho biết với cân nặng của bé như vậy thì bé có bị suy dinh dưỡng không. Cách nào để bé tiếp thu đầy đủ dưỡng chất để phát triển toàn diện và giúp bé cảm thấy thích khi ăn (Nguyễn Thị Tuyết Trinh, 36 tuổi)
- BS Hoa: Theo WHO bé trai 7,5 tháng nặng từ 6,7 kg đến 8,3 kg con bạn chưa bị suy dinh dưỡng nhưng hơi nhỏ con. Chế độ ăn trong 1 ngày của bé cần thiết hiện tại là 2 chén bột đủ 4 nhóm thức ăn và 700-900 ml sữa. Để bé thích thú khi ăn thì bạn cần chế biến thức ăn phù hợp với khẩu vị của bé và cách cho ăn phải tâm lý và vui vẻ, không nên ép và hù dọa làm cho bé sợ.
- Bác cho tôi hỏi, con tôi 2 tuổi, bé trai, cao 88 cm, nặng 13,5 kg. Vậy cho tôi hỏi bé có bị suy dinh dưỡng không? Khẩu phần ăn của bé hàng ngày là 100 g thịt/cá... và 100 g rau củ. Nửa chén cơm, ăn sáng trưa chiều và 2 phần sữa phụ. Với khẩu phần ăn như vậy có đủ chất dinh dưỡng hay không? 100g thịt một ngày có nhiều không? Xin cảm ơn Bác sĩ. (Kim Ngân, 30 tuổi)
- BS Yến Phi: Ngân mến! Cân nặng và chiều cao của con bạn hoàn toàn bình thường, thậm chí rất tốt nữa. Khẩu phần ăn hiện nay của bé cũng hoàn toàn phù hợp với tuổi. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý từ 2 tuổi trở đi chiều cao của bé sẽ phát triển chậm hơn, trong khi cân nặng lại có khuynh hướng tăng nhanh hơn, nên bé dễ thừa cân và béo phì hơn trong giai đoạn 2-8 tuổi. Nếu bé béo phì trong giai đoạn này sẽ kích hoạt tình trạng dậy thì sớm cùng với hàng loạt những hậu quả của dậy thì sớm trên trẻ. Nếu bé tăng cân nhanh hơn trong giai đoạn sau này, bạn nên tăng thêm 1 bữa sữa, giảm khẩu phần bột và đạm xuống còn hai phần ba so với hiện nay. Nhớ cho con đi tập thể dục, vận động nhiều, hạn chế tối đa các hoạt động tĩnh tại như xem TV, chơi game, đọc sách trong nhiều giờ... vừa có tác dụng giúp bé tăng chiều cao tốt hơn, tăng các cơ bắp, vừa giúp kéo dài thời gian trước dậy thì.
![]() |
- Con tôi được 9,5 tháng tuổi nhưng nặng có 7,5 kg. Cháu ăn 3 bữa bột và 450 ml sữa công thức một ngày (cháu không được bú sữa mẹ). Tôi vẫn cho cháu ăn đủ chất bột, đạm, rau và dầu ăn khi nấu bột nhưng cân nặng của cháu vẫn lên rất chậm. Tôi muốn hỏi với chế độ ăn như thế thì tôi cần thay đổi gì để cháu lên cân như các bé cùng tháng tuổi và cần bổ sung thêm thuốc bổ, canxi và vitamin D không? (Nguyễn Thị Thu Hiền, 37 tuổi)
- BS Hoa: Theo WHO bé trai 9,5 tháng cân nặng 7,4-9,2 kg, như vậy con của bạn có nguy cơ bị suy dinh dưỡng. Bạn cần tăng năng lượng khẩu phần ăn của bé bằng cách cho thêm một muỗng canh dầu ăn vào một chén bột và tăng lượng sữa lên 700 ml trong một ngày. Bạn nên chọn các loại sữa có bổ sung vi chất dinh dưỡng (DHA, ARA, sắt, kẽm...). Còn về thuốc bạn cần đưa bé đi khám để các bác sĩ căn cứ cụ thể trên cơ địa của bé thì mới có thể trả lời bạn được.
- Chào bác sĩ, xin bác sĩ tư vấn giùm trường hợp con em với. Cháu nhà em năm này 33 tháng nhưng nặng có 11,5 kg. Cháu rất lười ăn, mỗi bữa cơm thường kéo dài khoảng 1 tiếng. Cháu gần như không thích bất kỳ một món ăn nào hết. Bác sĩ có cách nào giúp em chữa bệnh biếng ăn của cháu không ạ. Và làm thế nào để em có thể bổ sung cho cháu DHA một cách đầy đủ nhất qua bữa ăn hàng ngày. DHA thường có trong những loại thực phẩm nào. Cảm ơn bác sĩ nhiều (Đỗ Lê Vân, 39 tuổi)
- Bác Yến Phi: Chào Lê Vân! Con bạn nằm ở mức suy dinh dưỡng khá nặng, vì vậy cần cần phải phục hồi dinh dưỡng thật nhanh cho bé chứ không phải lo bổ sung đủ DHA. Bé suy dinh dưỡng nặng, vì vậy hệ tiêu hóa của bé cũng nhỏ và rất yếu. Nếu bạn cứ cố cho bé ăn càng nhiều, thì bé càng mệt hơn, và tiêu hóa hấp thu càng nặng nề hơn.
Bạn áp dụng một số các can thiệp sau:
- Cho bé ăn 5 bữa mỗi ngày, cách nhau 2-3h. Bữa ăn chính của bé chỉ có nữa chén cơm, cháo, bột, mì... nói chung là chất bột. Không cho ăn các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, tôm... mà có thể cho bé ăn cơm không, cơm với nước tương... miễn là bé đồng ý nhai nuốt. Có thể sử dụng nhiều loại chất bột khác nhau trong cùng 1 bữa.
- Mỗi bữa ăn chính của bé quy định đúng 30 phút, không xem TV hoặc chơi bất kỳ trò chơi gì trong thời gian ăn. Khi hết giờ, ngưng bữa ăn cho dù bé chỉ ăn được 1 muỗng.
- Sau bữa chính, cho bé thêm 1 phần trái cây (khoảng 50 ml trái cây nạo, ăn cả xác) hoặc 1 chế phẩm từ sữa (tốt nhất là yaourt, hạn chế phô mai, váng sữa...).
- Cho bé uống sữa hoàn toàn thay nước: không cho bé uống bất kỳ loại nước gì từ nước lọc đến trái cây. Khi bé khát, đưa sữa cho bé uống. Bé uống bao nhiêu cũng được, sau một thời gian bé khát lại đưa sữa tiếp. Tổng nhu cầu nước hiện nay bé cần để sống khoảng 1.000 ml, toàn bộ số nhu cầu này được thay bằng sữa. Việc cho uống sữa thay nước này có thể kéo dài 2-3 năm đến khi bé đã phục hồi dinh dưỡng hoàn toàn.
- Không cho bé ăn bất kỳ 1 loại thức ăn vặt nào khác ngoài thực đơn trên đây. Các thực phẩm giàu đạm (như thịt cá, tôm cua... ) có thể bắt đầu cho ăn lại sau khoảng 1 tháng áp dụng thực đơn này, nhưng không quá 100 gr mỗi ngày. Nhu cầu đạm hàng ngày được cung cấp hoàn toàn qua sữa, nên không cần các thực phẩm này thêm.
- Để giúp trẻ thông minh, chế độ dinh dưỡng cho bé thế nào, xin bác sĩ tư vấn giúp (Nha Trang, 30 tuổi, Sai Dong-Long Bien-Ha Noi)
- BS Hoa: Để giúp trẻ thông minh chế độ dinh dưỡng cần thiết phải đủ năng lượng các chất dinh dưỡng, và vi chất dinh dưỡng để trẻ không bị suy dinh dưỡng hay béo phì từ trong bụng mẹ. Vi chất dinh dưỡng cần chú trọng tới DHA có trong sữa mẹ, sữa công thức có bổ sung đủ hàm lượng DHA (17 mg/100 kcal) và trên 1 tuổi cần cung cấp đủ 75 mg/ ngày (theo khuyến cáo của FAO và WHO)
- BS cho tôi hỏi, con trai tôi được 9 tháng cân nặng 8,5 kg, chiều cao 71 cm. Cháu thường hay khò khè (viêm tiểu phế quan) nên hằng ngày cháu chỉ bú khoảng 600 ml sữa, ăn 2 bữa, buổi tối bú mẹ. Chế độ ăn như vậy bé có suy dinh dưỡng không bác. Và nên bổ sung những gì để giúp bé phát triển trí não. (Vũ Đoan, 33 tuổi, Quận 7)
- BS Yến Phi: Vũ Đoan thân mến! Triệu chứng viêm tiểu phế quản liên tục của bé coi chừng có liên quan đến tình trạng suyễn nhũ nhi (còn gọi là hen phế quản) nhất là khi bé có đến trên 3 lần viêm tiểu phế quản liên tục nhau trong vòng vài tháng. Em nên mang con đến khám ở bất kỳ một cơ sở chuyên khoa Nhi nào để được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ càng sớm càng tốt.
Cân nặng của bé hiện nằm trong giới hạn bình thường, tuy nhiên chiều cao thiếu khoảng 2 cm nữa mới đạt chuẩn trung bình. Em nên cho tăng lượng sữa công thức, đồng thời cho ăn đủ lượng chất béo (thêm 1 muỗng canh dầu ăn các loại vào trong chén bột hoặc cháo của bé). Đây cũng chính là loại chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho sự phát triển trí thông minh của trẻ. Khi chất dinh dưỡng cơ bản đã đầy đủ, mới cần quan tâm đến việc bổ sung các chất dinh dưỡng khác ảnh hưởng trên trí thông minh như DHA, ARA, Taurine...
- Con tôi 3 tuổi rưỡi, sức khỏe phát triển bình thường, ít ốm, chỉ uống sữa công thức từ 120 đến 150 ml/ngày, it ăn cá, muốn bổ sung DHA cho cháu bằng cách nào, bao nhiêu là đủ? (Phuong, 37 tuổi)
- BS Hoa: Chúc mừng bạn vì bé phát triển bình thường và ít ốm. Tuy nhiên lượng sữa cần thiết cho bé ít nhất 300 ml/ngày. Vì ngoài DHA bé cần phải cung cấp canxi và các chất dinh dưỡng khác có trong sữa. Ở tuổi này lượng DHA cần thiết là 75 mg/ngày (theo FAO và WHO). Vậy bạn cần tăng lượng sữa có bổ sung DHA cho bé và cho bé ăn thực phẩm giàu DHA (cá, mỡ cá, trứng, gan, sữa...)
- Em đang mang bầu tháng thứ 6. Bác sĩ cho em hỏi, trong thời gian mang thai thì bổ sung DHA cho bé vào thời điểm nào là tốt nhất và bổ sung như thế nào là phù hợp ạ. (Phạm Thị Thảo, 28 tuổi)
- BS Hoa: Thời điểm này bạn bổ sung DHA cho bé là tốt nhất vì tế bào thần kinh của bé sẽ phát triển và hoàn thiện nhanh trong 3 tháng cuối của thai kỳ và 3 năm đầu đời. Bạn bổ sung DHA cho bé bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu DHA (cá, gan, trứng, sữa...) hoặc uống 2 ly sữa có bổ sung DHA. Khi bé ra đời thì cần cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng. Nếu vì điều kiện nào đó không thể cho bé bú mẹ thì bạn nên cho bé bú các loại sữa có bổ sung đủ hàm lượng DHA (17 mg/100 kcal).
![]() |
- Xin thưa bác sĩ, Em được biết chất DHA có nhiều ở cá có mỡ béo, có nhiều ở những chất có nhiều chất béo, vậy chế biến làm sao để chất DHA phát huy tối đa hiệu quả. Và xin cho em hỏi thêm là DHA có nhiều ở rau, hoa quả và trái cây không ạ! Nếu có thì là những loại nào. Cám ơn bác sĩ rất nhiều! (Nhật Linh, 35 tuổi, Biên Hòa)
- BS Yến Phi: DHA là một thành phần của chất béo trong cơ thể động vật, vì vậy trong tự nhiên các thực phẩm giàu DHA nhất là các thực phẩm cung cấp chất béo như cá biển béo (có cả trong nạc cá), lòng đỏ trứng, gan... Trong các thực phẩm nguồn gốc thực vật không có DHA nhưng có các tiền chất của DHA, tức là các nguyên liệu dùng để tổng hợp DHA trong cơ thể động vật, như trong đậu nành, hạt hướng dương, vỏ cám của ngũ cốc...
DHA thường tồn tại cùng lúc với chất béo, và dễ bị oxy hóa trong môi trường nhiệt độ cao và nhiều oxy (tiếp xúc với không khí). Vì vậy, cách chế biến tốt nhất để giữ DHA trong thực phẩm là tránh chiên, quay, nướng... ở nhiệt độ cao kéo dài, chỉ nên chế biến đơn giản như hấp, luộc... thôi.
- Xin chào hai bác sĩ. Em xin hỏi. Con em được 10 tháng tuổi. Hằng ngày bé uống khoảng 800ml sữa. Ăn (sáng: 3 muỗng bột ăn dặm thịt heo cà rốt hoặc thịt bò rau củ; Trưa: 1 tô cháo to; chiều: 1 tô cháo) các bữa phụ là trái cây, phomatl. Hiện bé được 9,5 kg. Trông bé rất gầy. Không đầy đặn. Xin bác sĩ tư vấn giúp có cách nào cho bé to hơn xíu. Em cảm ơn! (Hà Thanh Phong, 32 tuổi, Quận 8)
- BS Hoa: Theo WHO bé trai nặng 7,4-9,2 kg, như vậy cân nặng của bé rất tốt, việc bạn cho bé "rất gầy" chắc là do cảm nghĩ của bạn và so sánh con của bạn với những bé bị béo phì. Theo tôi, bạn duy trì chế độ ăn như vậy của bé là đủ, tháng sau chỉ cần bé tăng 300 gr là bé đã phát triển tốt rồi.
- Khẩu phần ăn giúp trẻ thông minh? (Nguyễn Văn Lợi, 29 tuổi, Đống đa - Hà Nội)
- BS Hoa: Khẩu phần ăn giúp trẻ thông minh là: đủ năng lượng, đủ chất dinh dưỡng (bột, đạm, dầu, rau,), đủ vi chất dinh dưỡng (thức ăn đa dạng) và kèm thêm không khí bữa ăn vui vẻ. Tùy theo độ tuổi bạn chú ý tới lượng vi chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ thần kinh của trẻ. (DHA, ARA)
- Xin bác sĩ hãy tư vấn bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ trên 2 tuổi. Nghe mọi người nói ăn thịt heo nhiều (4 ngày một tuần) thì không tốt cho trẻ có đúng không ạ, mong bác sĩ cho lời khuyên (Phạm Thị Thêm, 29 tuổi, Quảng Ngãi)
- BS Hoa: Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho trên trẻ 2 tuổi là: 3 bữa chính (cơm, phở, mì, nui) đủ 4 nhóm thức ăn (bột, đạm, dầu, rau) và 3 bữa phụ giá trị dinh dưỡng cao (sữa, yaourt, chè đậu, bánh flan, chuối, bánh dinh dưỡng). Để đảm bảo vi chất dinh dưỡng bạn cần cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm, tuy nhiên ăn thịt heo 4 ngày/tuần là bình thường.
- Con trai tôi được 1 tuổi ăn dặm ngày 3 bữa, ăn sữa chua, phomai và vẫn bú sữa mẹ,vậy bé có cần phải uống thêm sữa bột không, có cần uống thêm vitamin K không (10 kg, cao 80 cm) (Juefan, 29 tuổi)
- BS Yến Phi: Chào bạn! Sữa chua được làm từ sữa, như vậy về mặt nguyên tắc là thành phần dinh dưỡng tương tự trong sữa, chỉ có đường lactose được lên men để dễ hấp thu hơn, hỗ trợ hệ tiêu hóa tốt hơn. Riêng phô mai thì chỉ có thành phần dinh dưỡng bằng một nửa của sữa: chỉ có các chất không hòa tan như chất béo, đạm casein (loại đạm không tan và khó tiêu hóa hơn), các chất khoáng và các vitamin tan trong chất béo, thiếu hẳn đường lactose, đạm whey (đạm hòa tan dễ tiêu hóa, hấp thu và có thành phần tốt nhất cho cơ thể).
Chính vì vậy, dù phô mai có lượng canxi cao, nhưng hấp thu rất kém do thiếu lactose, đạm nhiều nhưng khó tiêu hóa và không cân đối về thành phần... và hoàn toàn không thể dùng thay thế sữa trong nuôi dưỡng trẻ em mà chỉ nên dùng như một thức ăn thêm để thay đổi khẩu vị mà thôi. Sữa là thực phẩm cần cho bé đến 18 tuổi, nếu không tập cho bé uống sữa thì đến lúc ngưng sữa mẹ bé làm sao uống được sữa đủ nhu cầu? Vì vậy tốt hơn bạn nên tập cho bé uống sữa thay vì cho ăn phô mai.
Vitamin K thường không thiếu ở trẻ trên 1 tuổi, và cũng ít khi được khuyến cáo bổ sung trong cộng đồng, nên nếu muốn bổ sung thì nên đến gặp bác sĩ để được ghi toa và sử dụng đúng chỉ định.
- Xin chào bác sĩ! Con gái tôi được hơn 8 tháng. Vậy tôi nên xây dựng chế độ ăn như thế nào để giúp bé vừa đủ dinh dưỡng, vừa thông minh. Hiện tại tôi cho bé ăn 3