Hầu hết các sản phẩm, chi phí cho thương hiệu đạt tới 85% giá trị thị trường của công ty. Sự thay đổi chỉ số thương hiệu 1% sẽ dẫn đến sự thay đổi giá trị thị trường của công ty đến 3%.
Một câu hỏi lớn đặt ra cho các doanh nghiệp hiện nay là trong thời điểm kinh tế khó khăn, công ty có nên cắt giảm tiền dành cho thương hiệu?
Cơ hội đến từ khủng hoảng
Thành công của thương hiệu phụ thuộc vào việc doanh nghiệp duy trì đầu tư cho những ý tưởng mới, với các sản phẩm và dịch vụ hứa hẹn nhiều tiềm năng. Không ít thương hiệu thành công thế giới ra đời trong chính các giai đoạn khủng hoảng kinh tế như máy tính cá nhân đầu tiên của IBM, Microsoft và FedEx (năm 1973 – 1975 ở Mỹ), kênh truyền hình CNN và MTV (thành lập năm 1980 và 1982), máy nghe nhạc Ipod, sản phẩm là trắng răng Crest’s Whitestrips.
“Khủng hoảng là cơ hội cho những người làm công tác tiếp thị và kinh doanh sành sỏi. Do vậy, thay vì tinh giản nhân viên, cắt mọi hoạt động marketing và phát triển thương hiệu để chú trọng đến tối đa lợi nhuận nhắn hạn trước mắt thì các công ty hãy mạnh dạn tìm kiếm những ý tưởng mới góp phần nâng cao giá trị thương hiệu trong lòng công chúng. Hãy quan sát những cắt giảm trong chiến lược marketing của đối thủ, tận dụng để thu hút những nhóm khách hàng mới với các hoạt động truyền thông thương hiệu mang tính bền vững.” – Bà Trần Phương Lan, Phó Viện Trưởng Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – Trường ĐH FPT chia sẻ.
Nghiên cứu gần đây của Thomas Harris – Giám đốc Nghiên cứu của Viện Thống kê thăm dò Harris Interactive chỉ ra rằng, các công ty lọt vào top 200 công ty của Hoa Kỳ mới đây, chỉ tiêu nhiều hơn hai lần cho hoạt động PR, so với các công ty cạnh tranh ít tên tuổi hơn. Tập trung là sắc nét hơn chiến lược định vị khác biệt của thương hiệu, xây dựng bản sắc nhận diện thương hiệu một cách tập trung để tạo ra sức ảnh hưởng tối đa. Bên cạnh đó, các công ty này cũng đặc biệt quan tâm đến việc cắt giảm các danh mục thương hiệu con hoạt động nhỏ lẻ, làm phân tán hiệu quả của các quyết định quan trọng mà không ít công ty đã phải gánh chịu về vấn đề quản lý danh mục thương hiệu. Chẳng hạn như trong năm 2003, Nestlè tạo ra 120 sản phẩm mới nhưng chỉ có thêm bốn thương hiệu. Hầu hết các sản phẩm mới đều được dùng để củng cố thêm cho các thương hiệu chính diện có như Maggi hay Buitoni.
Thương hiệu Việt cần phải làm gì?
“Tại khu vực Đông Nam Á, bên cạnh Singapore, Việt Nam không hề thua kém quốc gia nào về nhân lực và trình độ. Những thành tựu trong 10 năm qua về mặt xây dựng Thương hiệu là rất đáng kể. Tuy nhiên, các Doanh nghiệp Việt Nam đều vướng vào một tình trạng chung là bệnh tự mãn khi đạt một thành công nhất định, sau đó chững lại và chậm tiến” - Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang là Giám Đốc tại Việt Nam của Tập đoàn Xây dựng Thương hiệu Cowan Australia, Chủ nhiệm Đề tài Xây dựng thương hiệu Sài Gòn Thành Phố Hồ Chí Minh khẳng định trong buổi hội thảo “Xây dựng chiến lược thương hiệu doanh nghiệp”.
Hội thảo “Xây dựng chiến lược thương hiệu doanh nghiệp” do FSB tổ chức
Chương trình vừa mới được thực hiện bởi Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – Trường Đại học FPT tại TP Hồ Chí Minh. Tham gia hội thảo là đông đảo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, tất cả doanh nhân đều đánh giá cao tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu trong thời kỳ khủng hoảng và đặt nhiều câu hỏi, đưa ra giải pháp trong lĩnh vực này.
Tại hội thảo, Bà Nguyễn Thị Thu Sắc – Tổng Giám đốc Công ty Hải Nam nêu ra nhiều khó khăn hiện nay khi xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp và thủy hải sản. Chuyên gia Thương hiệu Võ Văn Quang chia sẻ là cần nhấn mạnh Sản phẩm và Giá trong học thuyết 4P của Philip Kotler: “Để sản phẩm Việt Nam vươn ra quốc tế, trước hết cần tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng tại nước bản địa. Bên cạnh đó, các vụ kiện về vi phạm luật phá giá của sản phẩm Việt Nam trên trường thế giới là bài học xương máu cho các Doanh nghiệp trẻ về việc hoạch định chiến lược giá”.
Một điểm được nhiều lãnh đạo đồng tình trong hội thảo là xây dựng thương hiệu thời khủng hoảng nên đi từ trong nội bộ công ty ra ngoài xã hội. Trong thời buổi kinh tế bất ổn, nhân viên cũng bị dao động trước bấp bênh của doanh nghiệp, việc truyền thông nội bộ để tạo lòng tin cho nhân viên tập trung sáng tạo là điều hết sức quan trọng.
Khủng hoảng đương nhiên là nguy cơ. Nhưng trong khủng hoảng cũng có rất nhiều cơ hội. Nắm bắt được cơ hội trong khủng hoảng, doanh nghiệp sẽ làm được nhiều việc hơn, với chi phí thấp hơn so với giai đoạn bình thường. Khôn khéo trong khó khăn, doanh nghiệp sẽ tạo đà mạnh hơn cho mình khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Hội thảo trên nằm trong chuỗi các hội thảo trong chương trình Mini MBA và chương trình đào tạo chuyên gia Marketing & sales của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – Trường ĐH FPT, chương trình được thiết kế đặc biệt dành cho các nhà quản lý.
Theo thiết kế của chương trình đào tạo Mini MBA dành cho Nhà Quản Trị chuyên nghiệp thì sẽ có tất cả 3 buổi bootcamp. Mục đích của buổi bootcamp là bổ trợ thêm cho học viên những kiến thức học thuật và giải pháp ứng dụng đã học trên lớp, tạo điều kiện để học viên có cơ hội gặp gỡ và chia sẻ với các chuyên gia kinh tế, chuyên gia marketing, chuyên gia hoạch định chính sách và doanh nhân thành đạt, để cùng học hỏi những bí quyết kinh doanh từ chính kinh nghiệm thực tiễn của họ. Các chuyên gia cũng chia sẽ những triết lý kinh doanh, truyền bá những mô hình kinh doanh thành công vượt trội đã được kiểm chứng trên toàn thế giới.
( nguồn từ kenh14)