Giữ bí mật, khuyến khích trẻ phản kháng lại, la mắng con hoặc liên hệ ngay với phụ huynh của học sinh bắt nạt con mình... là những việc phụ huynh không nên áp dụng.
Đối phó với bạo lực học đường là một trong những nội dung chính được chia sẻ trong buổi nói chuyện “Phong cách sống lành mạnh và vui vẻ để đạt được kết quả tốt trong học tập", diễn ra vào ngày 22/1. Buổi nói chuyện do trường Quốc tế TP HCM (ISHCMC-American Academy) tổ chức tại phòng Sun Bear (lầu 6, số 16 Võ Trường Toản, quận 2).
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý và giáo viên giàu kinh nghiệm còn trao đổi về sự tôn trọng, xây dựng trường học thân thiện, tác phong và sức khỏe khi đến trường, rèn luyện thói quen tốt cho giấc ngủ... nhằm cung cấp cho phụ huynh và học sinh những kinh nghiệm thiết thực để trẻ học vui, sống tốt.
|
Buổi nói chuyện do trường Quốc tế TP HCM (ISHCMC-American Academy) tổ chức tại phòng Sun Bear (lầu 6, số 16 Võ Trường Toản, quận 2). |
Có khá ít phụ huynh nhận biết được dấu hiệu trẻ bị bắt nạt ngay từ đầu. Đánh đập hay xúc phạm danh dự, những hành động phân biệt chủng tộc, ganh đua điểm số, chọc ghẹo, dọa dẫm, cô lập, nói xấu (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua mạng xã hội)… đều được liệt kê vào thói bắt nạt học đường. Nếu không được giải quyết triệt để sẽ dẫn đến hậu quả khó lường khi trẻ lớn lên, bước ra xã hội.
Dấu hiệu nhận biết trẻ hay bị bắt nạt là trốn tránh trường học, thích giao du với người lớn hơn là bạn đồng lứa, có vết thương, bầm hay xây xát trên cơ thể, ít nói về bạn bè, hay lo sợ, kích động, có thái độ phản kháng, cáu gắt hoặc im lặng không rõ lý do. Một số trường hợp trẻ quay lại bắt nạt lại người yếu hơn mình, trút cơn giận vào phim ảnh, game bạo lực, thậm chí bỏ học hoặc tự tử nếu không được ba mẹ phát hiện và can thiệp kịp thời.
|
Các chuyên gia tâm lý và giáo viên giàu kinh nghiệm trao đổi với phụ huynh và học sinh những kỹ năng sống hữu ích nơi học đường. |
Theo thầy Nathan D. Bryant, người phụ trách quản lý học sinh của ISHCMC American Academy, sự lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng chính là chìa khóa để nói không với tình trạng bắt nạt học đường. Thái độ thấu hiểu của phụ huynh giúp con trẻ cởi mở hơn khi kể cho ba mẹ nghe chuyện gì đã xảy ra. Ngay sau khi biết chuyện, phụ huynh nên liên lạc với giáo viên và ban giám hiệu nhà trường. Hướng dẫn con cách giao tiếp, thiết lập và mở rộng mối quan hệ với bạn bè, cộng đồng để tự bảo vệ bản thân là những bước căn bản tiếp theo.
Thầy Nathan D. Bryant cũng lưu ý, phụ huynh không nên giữ bí mật, khuyến khích trẻ phản kháng lại, chì chiết hoặc la mắng con, hay liên hệ ngay với phụ huynh của học sinh bắt nạt để làm cho rõ sự việc.
( nguồn từ www.vnexpress.net )