Nguyên Phó trưởng khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy Đinh Văn Thiện cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 vừa qua với lối ra đề Ngữ văn có tính chất mở đã chấm dứt một thời kỳ lo âu khi nghĩ tới giờ thi văn, khắc phục được hạn chế của cả giáo viên và học sinh.
- Qua đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2015-2016 của các địa phương, thầy có nhận xét gì về xu hướng ra đề hiện nay?
- Kỳ thi vừa qua với lối ra đề có tính chất mở đã chấm dứt một thời kỳ dằng dặc những lo âu khi nghĩ tới giờ thi văn. Nghĩ thế lại nhớ một nhà thơ nổi tiếng, khi nói chuyện với giáo viên văn Hà Nội, đã xúc động: "Được dạy văn và học văn là một niềm vui lớn". Chắc ông không nghĩ rằng trong suốt mấy chục năm cải cách giáo dục sau đó người ta đã làm cho môn văn trở thành nỗi chán ngán của phần lớn người dạy và người học như thế nào.
Xu hướng ra đề mở vừa qua như một sự bùng nổ nguồn năng lượng vốn có của văn chương. Văn chương luôn gắn liền với vận đời. Trường phái văn chương nào chẳng tải đạo, khác nhau là ở chỗ tải cái đạo nào và có thừa nhận tải cái đạo ấy không thôi. Văn chương tuyển chọn vào nhà trường phổ thông là thứ văn chương sạch, đẹp, tải những đạo lý cao cả, chuẩn bị cho đất nước những người chủ tương lai tốt nhất, xứng tầm nhất, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
|
Đề thi Ngữ văn vào lớp 10 năm học 2015-2016 gây nhiều hứng thú cho thí sinh, phụ huynh và những người làm công tác giảng dạy. Ảnh minh họa: Quý Đoàn. |
- Vậy cái hay của việc đổi mới các đề thi Ngữ văn theo hướng mở là gì, thưa thầy?
- Trước hết cần làm rõ thế nào là đề văn có tính chất mở? Đề mở là không còn bị đóng khung một cách cứng nhắc vào một số câu, chữ, một số tác phẩm trong chương trình quy định, cũng không bị gò vào một vài quan điểm, nhận định có sẵn muôn thủa đối với những tác phẩm học trích ấy. Đề mở phải đảm bảo được sự gắn bó giữa văn học với đời sống thực tế, đời sống tình cảm thường nhật của con người. Từ các đề văn thi vào 10 của khoảng mươi cơ sở địa phương và một số trường chuyên mà chúng tôi có được, có thể thấy hầu hết đề thi đều đề cập tới một trong các vấn đề trên cả ở phạm vi kiến thức văn học lẫn đời sống xã hội, chính trị, đời sống tình cảm.
Cái hay của những đề mở này trước hết đó là sự hài hòa trong dung lượng kiến thức giữa tiếng Việt - Văn học và kiến thức đời sống. Sự phân phối dung lượng hai loại kiến thức này rất uyển chuyển. Trừ một vài trường hợp hai loại kiến thức này cấu tạo thành hai phần riêng biệt như bàn về tình bạn, về ý nghĩa của Internet, Facebook, hay phương pháp học tập, còn lai đều kết hợp một cách khéo léo những yêu cầu phân tích văn học với bàn luận các vấn đề đời sống. Ví dụ phân tích truyện Con cò thành việc bàn chuyện tình mẫu tử, chuyện những người dưng gặp nhau bỗng trở thanh người thân như trong một gia đình vì tình yêu trong sáng đối với cuộc đời, giữa Lặng lẽ Sa Pa, chuyện con ốc sên lại thành bài học về ý thức tự lập, hay lấy chuyện yêu làng của người nông dân Việt Nam để bàn luận câu nói nổi tiếng của một nhà văn Nga…
Cái mở trong đề ra vừa qua còn hay và mới ở chỗ hầu như người ra đề đã rất cố gắng đi tìm những phát ngôn, những nhận định, rất có ý nghĩa, kể cả câu hát để thí sinh phát biểu suy nghĩ của mình mà không hề có sự định hướng, gợi ý nào, ví như câu hát của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn “Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao” được đưa vào đề thi như một lời đề từ để thí sinh tự bày tỏ suy nghĩ của mình trươc lời hát ấy.
- Việc ra đề mở và làm bài theo hướng đề này sẽ gây những khó khăn gì cho giáo viên, học sinh?
- Cái khó của sự đổi mới dạy - học theo của lối ra đề này theo tôi là việc khắc phục "tính ỳ" của lối mòn trong nếp nghĩ, cách làm cũ kỹ, và cũng phải nói thật là "ỳ" mãi thành quen, quen rồi thì ngại thay đổi. Ngại thay đổi là cách nói khác của bệnh lười ở người giảng dạy. Bởi đổi cách ra đề thì phải đổi cả cách dạy, cách tư duy, cách làm việc, không phải chỉ ở trên lớp.
Với học sinh trước xu hướng ra đề mở tâm lý chung đều hứng thú vì không phải học thuộc lòng những điều được dạy trên lớp, được tự do suy nghĩ và bày tỏ quan niệm của mình, được coi như một người "lớn", làm chủ bản thân. Cái khó của các em ở đây cũng chính là không thể "tủ" được. Kiến thức văn học thì hỏi rất cụ thể, chi tiết. Kiến thức đời sống thì không giới hạn được. Người chịu học thì sẽ thoải mái khi làm bài.
- Nhiều người cho rằng muốn đổi mới giáo dục thì phải từ gốc, tức là chương trình, sách giáo khoa, thi cử chỉ là phần ngọn. Quan điểm của thầy thế nào?
- Đổi mới giáo dục có thể hiện thực hóa từng ngày, đâu cần phải chờ làm xong chương trình - sách giáo khoa mới đổi mới thi cử. Đổi mới không phải là phủ định sạch trơn mà là một quá trình tiếp nối và cải tiến nâng cao chất lượng. Trong quá trình ấy cái gì đổi được thì đổi ngay, kẻo chậm trễ có khi bỏ qua cả một thế hệ.
- Bản thân thầy trong quá trình giảng dạy đã ra các đề theo xu hướng mở và đã được học sinh đón nhận như thế nào?
- Tôi có may mắn là nhiều năm được mời ra đề thi tuyển sinh vào 10 cho một số trường chuyên, năm vừa rồi cũng vậy. Tôi lại cũng là người khoảng mươi năm lại đây tham gia viết một số bộ sách tham khảo Ngữ Văn THCS, một số sách ôn thi vào 10. Trước đây thường phải làm theo những yêu cầu của trường mời làm đề về kiến thức phải nằm trong yêu cầu của sách giáo khoa, nhưng về sau tự mình cũng thấy cần thay đổi và khéo léo lồng ghép để lách “lưỡi kéo kiểm duyệt” mà cũng không làm khó cho học sinh vì các em không thể học một kiểu mà thi lại một kiểu được. Mỗi lần thi, tôi lại lắng nghe phụ huynh và học sinh phản hồi qua nhiều nguồn, thấy đều ổn cả.
( nguồn từ www.vnexpress.net )