![]() |
Nữ tỷ phú bán lẻ trực tuyến Peggy Yu Yu. Ảnh: Ichinastock |
Yu bắt đầu câu chuyện trong lúc uống trà tại văn phòng được làm toàn bộ bằng kính của bà tại Bắc Kinh, bằng việc kể về cậu con trai Xander. Cậu từ chối không dùng đũa và mỗi ngày đều ăn sáng ở nhà hàng McDonald. Ở tuổi 14, cậu biểu diễn tấu hài và có một công việc kinh doanh nhỏ. "Nó rất có khiếu về kinh doanh, và rất độc lập. Hai mẹ con thường coi nhau là động lực để phấn đấu”, Yu nói một cách tự hào
Nhưng tuổi thơ của Yu gian khổ hơn rất nhiều so với cậu con trai của mình. Mặc dù là một trong những học sinh luôn “đứng đầu hoặc thứ hai trong lớp có 240 bạn, tôi chưa bao giờ giỏi được như bố mẹ tôi mong muốn. Nếu có môn nào đó không được 100 điểm, tôi sẽ khóc như mưa.” Bố mẹ Yu từng bị xử lý trong thời kỳ cách mạng văn hóa, bố mẹ Yu trừng phạt cô bé theo cách họ đã phải làm: “Khi tôi làm gì sai, bố mẹ bắt tôi viết bản kiểm điểm cá nhân rồi dán lên tường.”
Cũng như ba nữ tỷ phú khác, Yu là Hoa kiều hồi hương. Bà trở lại Trung Quốc sau khi đã sống ở phương Tây. Lần đầu tiên gặp gỡ với một người phương Tây khi Yu đang là sinh viên đại học ở Bắc Kinh, khi tham gia dạy tiếng Trung cho một số du khách Mỹ. “Họ là một nhóm rất vui vẻ,” Yu nhớ lại. “Điều đó làm tôi muốn xích lại gần họ hơn.”
Năm 1987 Yu có cơ hội được đến thăm Mỹ. “Cứ lúc nào rảnh là tôi lại gọi điện từ sảnh của khách sạn đến các trường đại học để xem có trường nào nhận lời phỏng vấn tôi hay không... Tôi cần phải nhảy từ Trung Quốc sang Mỹ, bất cứ đâu cũng được.” Yu bắt đầu học tại trường đại học Oregon, và sau đó học tiếp thạc sỹ quản trị kinh doanh tại trường kinh doanh Stern của Đại học New York.
Tại Mỹ, Yu cảm thấy rất thích thú với chủ nghĩa tiêu dùng. “Nếu tôi muốn mua giầy, quần áo, hay đồ ăn, tôi đều có rất nhiều lựa chọn.” Ở Trung Quốc, “bạn chẳng có quyền lựa chọn. Mua sắm ở Trung Quốc rất khó chịu.”
Năm 1995 trong khi đang làm việc tại phố Wall, Yu nghe nói về việc Amazon bắt đầu trang web mua bán trực tuyến. Điều này đã khiến Yu rất thích thú. Yu thử mua một vài thứ, và trở nên hết sức say mê. Một năm sau, Yu gặp người chồng tương lai của mình, một nhà kinh doanh trong lĩnh vực xuất bản đầy tham vọng, Li Guoqing. Cả hai đã sáng lập ra Dangdang tại Bắc Kinh vào năm 1999.
Cũng như Amazon, Dangdang ban đầu chỉ bán sách, nhưng sau đó đã mở rộng. “Tôi không nghĩ là mình sẽ có ngày trở nên giàu có. Tôi chỉ muốn chia sẻ thú vui mua sắm của tôi với những người dân Trung Quốc”.
Dù rất yêu quý Mỹ, Yu cho rằng những phụ nữ trong môi trường kinh doanh ở Trung Quốc có lợi thế hơn so với những nữ doanh nhân trên đất Mỹ. “Trung Quốc có những nền tảng xã hội mà Mỹ không có, chẳng hạn như thị trường người giúp việc không đắt, hay truyền thống ông bà giúp trông cháu cho bố mẹ đi làm.”
Trong thực tế, cả bốn nữ tài phiệt đều có chung cảm nhận rằng ít ra trong kinh doanh, phụ nữ và đàn ông Trung Quốc được cạnh tranh trong một sân chơi bình đẳng. “60 năm chủ nghĩa cộng sản đã mang lại sự bình đẳng giới. Tôi nghĩ rằng người Trung Quốc được dạy dỗ để tin rằng phụ nữ cũng có khả năng như nam giới”, Yu nói
Minh chứng cho điều này có thể thấy rõ rằng, tất cả 4 nữ tài phiệt, trừ trường hợp của Zhang Lan đều có sự hậu thuẫn lớn từ những người chồng thành đạt và quảng giao.
Trong thực tế nhiều phụ nữ trẻ của Trung Quốc không mấy lạc quan về triển vọng của họ trong một nền kinh tế mà nhiều người cho rằng bị thao túng bởi đồng tiền và quan hệ, đã cho rằng tốt nhất là nên cưới một ông chồng giàu. Trên một chương trình truyền hình về tình yêu rất thịnh hành ở nước này, một người mẫu đã từ chối bạn trai đáng yêu, hợp tính cách nhưng nghèo của mình và nói “Tôi thà khóc trong một chiếc BMW còn hơn cười trên xe đạp.”
Trong một cuộc khảo sát của tờ China Daily với 50 cô gái, 80% đồng ý rằng “Chỉ những người đàn ông có khả năng kiếm hơn 4,000 nhân dân tệ (634 USD) một tháng xứng đáng có quan hệ yêu đương với phụ nữ”. Khắp trên đất nước Trung Quốc quan niệm về hôn nhân và tình dục dường như đang thay đổi.
Trong một giai đoạn, Trung Quốc từng đi ngược lại với truyền thống khi bài trí thức, bài Nho giáo, coi trọng chủ nghĩa tập thể hơn là gia đình, ngày nay nước này lại quay trở lại với những giá trị truyền thống, tuy nhiên những giá trị này cũng không còn như nguyên gốc.
Chẳng hạn gia đình truyền thống Trung Quốc giống như hình kim tự tháp với chỉ vài người già được đáng kính ở trên đỉnh, bên dưới có rất nhiều thành viên thuộc các thế hệ sau. Trong gia đình điển hình ở Trung Quốc bây giờ, hình tháp này bị lộn ngược, với duy nhất một “ông vua con” được nuông chiều bởi các thành viên lớn tuổi trong gia đình như ông bà, bố mẹ.
Đồng thời, trong khi xã hội Trung Quốc ngày càng có nhiều sức ép về việc quay trở lại với truyền thống Nho giáo, những giá trị nhân văn như lòng vị tha, nhân ái, danh dự, chính trực, vẫn chưa lấy được chỗ đứng hàng đầu trong xã hội. Bởi thế, nhiều người lo ngại rằng trong tương lai sẽ chỉ có chủ nghĩa vật chất và giàu có trong xã hội Trung Quốc mà thiếu vắng các giá trị đạo đức.
“Khi lớn lên, chúng tôi đều mong muốn trở thành y tá, bác sĩ, phi hành gia, hay giáo viên. Ngày nay, người ta nghi ngờ tất cả những thứ đã từng được coi trọng. Trẻ em chỉ mong muốn trở nên giàu có và nhiều quyền lực”, Yang nói.
Trung Quốc là một đất nước có bề dày lịch sử, đến mức ở đây chẳng có gì là mới. Trong 5000 năm lịch sử của mình có rất nhiều thời kỳ chứng kiến căn bệnh tham nhũng lan tràn và xã hội xuống cấp nghiêm trọng. Cũng có những thời kỳ có cuộc sống đô hội cởi mở và nền kinh tế thịnh vượng. Và cũng có những phụ nữ đầy quyền lực như nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên tới đệ nhất phu nhân đầy toan tính của Mao.
Nhưng bốn người phụ nữ giàu có và giỏi giang này của Trung Quốc thuộc tuýp khác: tiến bộ, hòa đồng và cởi mở với báo chí. Trên nhiều khía cạnh, họ không phải là những đại diện tiêu biểu của Trung Quốc dù trong quá khứ hay hiện tại. Có lẽ họ chỉ là những người may mắn thành đạt trong những năm 1990 khi nền kinh tế vận hành theo kiểu mở cửa “tự do cho tất cả mọi người” ở Trung Quốc.
Có lẽ họ là những người tiên phong của một đất nước Trung Quốc đang tiến lên, với con đường phía trước còn rộng mở. Mỗi người trong số họ đã tìm được cách để hòa trộn phương Đông và phương Tây một cách năng động, để có được những thành công đáng khâm phục về mặt thương mại. Họ đã kết hợp tiềm năng kinh tế to lớn và giá trị truyền thống của Trung Quốc với ý tưởng sáng tạo, hệ thống pháp luật, tự do cá nhân kiểu phương Tây.
( theo vnexpress)