Các bậc phụ huynh Hàn Quốc thà dành hơn một nửa tổng thu nhập để trả phí học thêm cho con còn hơn là tiết kiệm tiền dưỡng già.
|
Bên trong "hagwon", lò luyện thi đại học ở Hàn Quốc. Ảnh: Korean Times. |
Kim và vợ đều đi làm, cả hai kiếm được khoảng 4 triệu won (3.635 USD) mỗi tháng. Nhưng người cha 48 tuổi, là nhân viên một công ty viễn thông này, cho biết gần một nửa số đó dành cho việc học thêm của con gái lớn trong năm ngoái để chuẩn bị cho CSAT, kỳ thi tối quan trọng để bước vào cánh cổng đại học ở Hàn Quốc.
Con gái thứ hai của Kim tháng này chuẩn bị vào cấp ba. Hai vợ chồng cho biết, chắc chắn họ sẽ chi nhiều tiền hơn cho "hagwon", các trường luyện thi tư nhân vào năm nay.
Park Hyeon-mi, mẹ một nữ sinh trung học sống ở quận Gangnam, phía nam Seoul, cũng có suy nghĩ tương tự. Ở Hàn Quốc, đối với phụ huynh, những người làm công ăn lương, một khi con cái lên trung học, chi tiêu cho học thêm sẽ tăng vọt theo cấp số nhân.
"Có rất nhiều bà mẹ, những người làm việc bán thời gian để kiếm tiền trả cho hagwon của con cái", Korea JoongAng Daily dẫn lời Park. "Tiết kiệm dưỡng già là điều không tưởng".
Trong một cuộc khảo sát gần đây của Bảo hiểm nhân thọ Sam Sung, đa phần người tham gia trong độ tuổi 40-50 lựa chọn chi tiêu cho giáo dục của con cái là ưu tiên hàng đầu trong ngân sách gia đình.
Trong số 2.300 người được hỏi ở Seoul và các thành phố lớn trên toàn quốc, 53% số người được hỏi ở độ tuổi 40 trả lời chi tiêu cho giáo dục con cái là khoản lớn nhất. Tiếp theo đó là các khoản trả nợ (20,4%), mua nhà và chuẩn bị cho con cái kết hôn (8,5%). Tiền dưỡng già chỉ được 6,2% số người ở độ tuổi 40 ưu tiên.
Đối với những người ở độ tuổi 50, khoảng 37% cho biết tiền học của con cái là khoản quan trọng nhất và lớn nhất trong chi tiêu gia đình.
"Thật khó để tìm việc trong một tập đoàn, ngay cả khi bạn tốt nghiệp ở trường đại học hàng đầu", Jeon Yeong-seon, 47 tuổi, sống ở quận Seocho, phía nam Seoul nói.
"Tôi đầu tư vào học thêm cho con trai với hy vọng nó sẽ tiếp tục theo học ở một trường nổi tiếng và được trả lương cao, làm công việc chuyên môn", bà nói thêm.
"Chúng tôi không thể chi trả nổi mọi chi phí nếu chỉ dựa vào đồng lương của chồng, do đó, tôi cũng bắt đầu đi làm", Cho nói. "Chúng tôi chưa tính tới chuyện để dành tiền dưỡng già. Con cái là ưu tiên số một".
Trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc đang già hóa nhanh chóng, các chuyên gia cho rằng ngày càng nhiều phụ huynh chi tiêu quá mức vào con cái mà bỏ qua việc dành dụm cho riêng mình sau khi nghỉ hưu. Quan niệm lâu nay cho rằng con được vào học trong các trường đại học uy tín sẽ đảm bảo vị trí đáng thèm muốn trong các tập đoàn hàng đầu quốc gia, khiến nhiều người ở độ tuổi 40 và 50 hy sinh sự ổn định tài chính của mình.
"Không phải các phụ huynh không nhận thức được họ không tiết kiệm tiền dưỡng già", Yoon Yoo-jin, giáo sư đại học Sungkyunkwan đánh giá. "Ngược lại, họ thấy rằng chi tiêu cho giáo dục là một hình thức đầu tư không thể tránh khỏi, đảm bảo mức lương cao cho tương lai".
Tuy nhiên, Yoon Won-ah, nghiên cứu viên tại Bảo hiểm nhân thọ Samsung, lại cho rằng "thật lố bịch khi phải hy sinh ổn định tài chính bản thân cho việc học thêm của con trẻ".
"Nhật Bản không lâu trước đây cũng giống Hàn Quốc, tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Người Hàn Quốc, đầu tiên, cần phải lập quỹ hưu trí đã, rồi mới nghĩ đến chi tiêu cho giáo dục".
Yoon cho rằng, các bậc phụ huynh chỉ nên dành tối đa 20-30% tổng thu nhập cho việc luyện thi của con cái. Kim Dong -yeo, giám đốc một trung tâm nghiên cứu hưu trí của tập đoàn tài chính Mirae Asset, cũng chỉ ra rằng các bậc phụ huynh có xu hướng chi trả quá nhiều vào trường tư thục đơn giản vì chuyện học hành của con cái là một vấn đề hiện tại, khác với hưu trí, chuyện có vẻ xa vời.
"Chuẩn bị cho mai sau không phải là chuyện quá khó khăn. Hãy ngồi xuống và tính xem bạn kiếm được bao nhiêu, rồi vạch lại kế hoạch chi tiêu từ đó", Kim đề nghị.
( nguồn từ www.vnexpress.net )