Với tôi, người đi dạy rất nhiều, nhưng người tôi gọi là “thầy” thì không nhiều. Với “Bố già” Nguyễn Tuyết Ngọc, ông luôn là người thầy đầu tiên của tôi. Cảm ơn ông đã cho tôi là người có hiểu biết, sống có lẽ phải, đạo đức và biết yêu thương mọi người.
Đã 14 năm trôi qua, khoảng thời gian thật sự không quá dài, nhưng ít ra với tôi thời gian đó đủ để nuôi dưỡng lòng kính trọng ngày càng lớn đối với thầy. Sự lớn lên của lòng biết ơn và thái độ ngưỡng vọng một con người, một nhân cách đã làm thay đổi ý thức cuộc sống của tôi về sau này. Nghe tới thầy từ những người anh đi trước trong xóm tôi sống, dần trong tôi đã mang một hình ảnh mờ mờ về một ông thầy mà mình chưa từng gặp mặt, nhưng rất đỗi thân thiện, các thế hệ học trò quý mến và gọi vui là “Bố già”.
Đầu năm 2000, tôi bước vào lớp học thêm môn Toán của thầy theo lời giới thiệu các anh đi trước. Không như tôi tưởng tượng, đó là một người đã đứng tuổi, tóc điểm sương phủ kín đầu và nhìn hai bố con tôi qua cặp kính lão gọng tròn. “Chào nhỏ, chào anh” - ông cất tiếng miền Nam đặc sệt chào tôi với thái độ thật gần gũi, tất nhiên tôi cũng cảm thấy rất là thú vị, pha chút sự lạ lẫm. Tôi khoanh tay và chào đáp lại thầy lí nhí.
“Xin chào thầy, tôi đưa cháu tới để thầy dạy giúp cho cháu” - Bố tôi lên tiếng. Việc nhận lớp nhanh chóng kết thúc giữa thầy và bố tôi sau một cuộc nói chuyện ngắn ngủi và ông tiếp nhận tôi vào học. Tôi không thể quên được vào lúc đó, nó bắt đầu cho mọi sự đổi thay về ý thức của mình, sự cảm nhận, thấm đẫm và thay đổi, lòng kính trọng, chân thành đang lớn dần trong đầu của một đứa học trò rụt rè mới vào lớp 7.
Những bài học đầu tiên chính là kiến thức cơ bản nhất của môn Toán cấp II mà ông truyền cho chúng tôi. Ông cho chúng tôi nắm bắt và nằm lòng những điều cơ bản nhất về các định lý, tiên đề, định nghĩa… bằng một phong cách rất “Nguyễn Tuyết Ngọc”, tên thật của “Bố già”. Những bài giảng tâm gan của ông luôn được thể hiện tất cả trong những buổi học, với một phong cách không hề giống bất kỳ ai, cực kỳ dễ hiểu và nhớ lâu, tất nhiên luôn với một thái độ nghiêm khắc.
Người thầy đầu tiên của tôi, "Bố già" Nguyễn Tuyết Ngọc. Ảnh: Nguyễn Quốc Minh.
Trong chiếc áo đẫm mồ hôi thường xuyên vì hăng say giảng bài liên tục, ông luôn sẵn sàng cho những đứa học trò mất tập trung những đòn roi mây nghe vun vút đến đau điếng, những đòn roi nổi tiếng chưa mấy ai né được. Thế mà chẳng ai bỏ thầy đi học chỗ khác bao giờ, bởi vì khi đã dạy học bằng tất cả cái tâm, giáo dục đạo đức học trò với một tấm lòng thực sự thì làm sao có ai bỏ thầy đi được chứ!
Tôi đã dần nhận ra rằng, con chữ, con số chẳng phải là thứ mà thuyết phục mình thay đổi cuộc đời. Tôi cảm nhận được những điều hơn cả những thứ ấy, sự kính trọng một con người. Cái hài hước luôn được ông làm “chiêu” trong các buổi học, nó luôn tác động rất lớn đến tinh thần của lũ học trò chúng tôi.
Khi thấy học trò lâu đóng học phí, một chiêu quen thuộc mà chúng tôi luôn thấy là ông cầm mấy tấm thiệp đám cưới ra và nói: “Bay có thương thầy, đóng học phí cho thầy đi đám cưới, thầy chỉ thu đủ đi đám cưới chứ không thu dư, nheng!”, ông vừa nói vừa lấy tay giơ mấy tấm thiệp qua lại liên hồi khiến cho lũ trò chúng tôi phải bật cười. Nhẩm tính trong đầu, phải 10 đứa đóng học phí tổng cộng là 200 nghìn mới đủ cho thầy bỏ phong bì đám cưới, tất nhiên chiêu này lúc nào cũng tỏ ra hiệu nghiệm.
Lũ học trò như tôi quậy trong lớp là chuyện không phải ít. Một lần nọ, sự nghịch ngợm đã khiến tôi phải ăn một đòn roi chát chúa của ông. Theo phản ứng tôi đã đáp trả bằng cách đỗ lỗi cho đứa bạn hòng bao biện cho hành động của mình. Ông đã nhìn tôi bằng mọi sự nghiêm khắc và dằn tôi ngay lập tức: “Làm người đàn ông, đừng đổ thừa nghe nhỏ”! Sau câu nói của ông, tâm tôi gần như chết lặng, cảm giác của một đứa trẻ lúc đó rất đau. Cả buổi học ấy, không hiểu sao, tôi chẳng hề nói chuyện gì với ai cả…
Đây đúng là một đòn đau mà cho tới giờ này, chưa một giây phút nào tôi nguôi ngoai. Những gì thầy nói đã chạm tới lòng tự trọng đàn ông, một thằng nhóc học trò nghịch ngợm như tôi, có lẽ tôi sẽ còn đau tới suốt cuộc đời của mình. Nhà tôi hồi đó rất nghèo, việc cho tôi đi học thêm là một việc thật sự cố gắng của bố mẹ, thiếu tiền học thêm của tôi là chuyện không có gì lạ. Thầy luôn luôn hiểu và thông cảm vì điều đó, nhưng trong tư duy ngây ngô của một đứa trẻ, tôi luôn cảm thấy ái ngại vì hoàn cảnh của gia đình mình, trước mọi người, trước bạn bè...
Một ngày đi học, giờ giải lao, tôi tiến lại ngồi gần thầy và miệng lắp bắp: “Thầy ơi, con…!”. Ông ghé tai qua “Có gì không nhỏ?” - vẫn cách xưng hô quen thuộc, đầy mộc mạc của “một người miền Tây” của ông. “Con còn nợ thầy… 2 tháng học phí”, tôi lí nhí nói ra bằng tất cả sự cố gắng, mặt cúi gằm, hy vọng mọi người không nghe thấy. Ông im lặng một thoáng, nhìn tôi ái ngại: “Kệ đi nhỏ, lo học trước đi, sau này bay đi làm có tiền trả lại cho thầy sau cũng được, lo gì”. Ông cười nhẹ và như an ủi tôi bằng tất cả thái độ mà ông có thể chia sẻ với tôi, có lẽ ông hiểu tôi đang nghĩ gì.
Ông tiếp lời: “Bay có thì đóng cho thầy, khó khăn thì đóng một nửa thôi, nghe chưa”. Ông nói như giãi bày tâm sự với lũ chúng tôi: “Mấy đứa nhà xa, có bạn bè đứa nào muốn học tới thầy dạy luôn cho, không lấy học phí của bay đâu”. Nghe thầy nói thế, tôi đã im lặng rất lâu… Những suy nghĩ, cảm xúc khó nói nên lời choáng ngợp tâm trí tôi. “Sao lại có một ông thầy như thế này chứ, sao thầy tốt thế thầy ơi…”. Trong đầu tôi cứ lùng bùng những suy nghĩ ngạc nhiên ấy. Cuộc đời tôi đi học, đâu có ai nói với tôi như thế!
Gần 30 tuổi, tôi vẫn như đang được sống trọn vẹn với cái cảm giác của mình khi đó, tôi nhớ mãi không thôi. Thời gian cứ trôi qua, chúng tôi vẫn học thầy cho đến hết năm cấp II, không đếm xuể những đòn roi mà chúng tôi phải chịu. Mỗi khi ăn đòn roi ấy, đau lắm, nhưng mỗi đòn roi lại làm cho tôi phải lưng thẳng hơn, đầu ngẩng cao và “sáng” hơn. Vì tôi ý thức được rằng, tôi đã là một người đàn ông, tôi đã hiểu được sư yêu thương trách nhiệm trong những đòn roi của ông, đó chính là lúc tôi phải tự lớn lên và tự chịu trách nhiệm trước mỗi hành vi của mình trong cuộc sống.
Những suy nghĩ, thái độ ứng xử, đạo đức mà thầy đã cho tôi thấy, đã luôn đi theo tôi cho tới khi tôi lên học đại học và ra đi làm. Tôi chưa một giây phút nào thôi nghĩ về những gì mà ông đã dạy cho tôi, nó gần như ảnh hưởng rất lớn tới tư duy cuộc sống của tôi sau này. Tôi đã biết mình nên sống như một người đàn ông biết chịu trách nhiệm trước những việc làm của mình. Khi học xong ĐH Sư phạm, nghĩ về những bài học của ông, tôi càng thêm thấm đẫm, tôi đứng lớp và đã sử dụng chính những điều đó dạy lại cho học trò của mình.
Cũng như ông, tôi có một niềm tin, những điều tôi đã dạy lại cho học trò của mình, sau này sẽ được các em hiểu ra tất cả, như một cậu thiếu niên ngày nào đó đã nhận ra trong suốt chặng đường dài mà cậu ta đã đi và đang đi qua, cậu ta đã thay đổi thực sự. Tôi muốn nói với ông: “Thầy ơi, con cảm ơn, con đã thay đổi rồi”. Tôi muốn trở lại những ngày đó, được ông đối xử bằng tình cảm và đầy bao dung của một người thầy.
Với tôi, người đi dạy thì rất nhiều, nhưng người tôi gọi là “thầy”, là “cô” thì không nhiều, và với ông “Bố già” Nguyễn Tuyết Ngọc, tôi suy nghĩ một điều rằng ông là người thầy đầu tiên của tôi. Cảm ơn ông đã cho tôi là một người có hiểu biết, sống có lẽ phải, đạo đức và biết yêu thương mọi người.