Sinh viên đại học phải hoàn thành tối thiểu 120 tín chỉ (12/12/2014)
Với trình độ thạc sĩ, số lượng tín chỉ phải hoàn thành tối thiểu là 60; Trình độ tiến sĩ là 90 với người đã tốt nghiệp thạc sĩ và 120 với người tốt nghiệp ĐH.
Ngày 11/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo để lấy ý kiến thông tư quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học.
Lấy đơn vị tín chỉ để lượng hóa khối lượng kiến thức của người học, Bộ GD&ĐT dự kiến với trình độ cao đẳng, sinh viên phải hoàn thành tối thiểu 90 tín chỉ; trình độ ĐH là 120; thạc sĩ là 60 và tiến sĩ là 90 tín chỉ với người đã tốt nghiệp thạc sĩ và 120 tín chỉ với người tốt nghiệp ĐH.
Theo Bộ GD&ĐT, một tín chỉ được quy định bằng 15 giờ học lý thuyết và 30 giờ tự học; bằng 30 giờ thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận và 15 giờ tự học, chuẩn bị cá nhân có hướng dẫn; bằng 45 giờ thực tập tại cơ sở, làm tiểu luận, khoá luận tốt nghiệp, luận văn, luận án. Một giờ tín chỉ được tính bằng 50 phút học tập.
Dự thảo cũng đưa ra yêu cầu về năng lực người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp dựa trên các tiêu chí: kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm. Theo đó, với trình độ ĐH, sinh viên cần có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để có thể giải quyết các công việc phức tạp; tích luỹ được kiến thức nền tảng để có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực đào tạo.
Tốt nghiệp ĐH, sinh viên cần có kỹ năng hoàn thành công việc phức tạp đòi hỏi vận dụng kiến thức lý thuyết và thực tiễn của ngành được đào tạo trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng vận dụng kiến thức, tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng những thành tựu mới về khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề thực tế hay trừu tượng trong lĩnh vực được đào tạo; có năng lực dẫn dắt chuyên môn để xử lý những vấn đề quy mô địa phương và vùng miền.
Đặc biệt, dự thảo này đề cập rất rõ yêu cầu về ngoại ngữ của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ví dụ, người tốt nghiệp trình độ ĐH cần có kỹ năng ngoại ngữ, có thể hiểu được các ý chính của một báo cáo hay bài phát biểu về các chủ đề quen thuộc trong công việc liên quan đến ngành được đào tạo; có thể sử dụng ngoại ngữ để diễn đạt, xử lý một số tình huống thông thường; có thể viết báo cáo đơn giản, trình bày ý kiến liên quan đến công việc chuyên môn...