Nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở Thanh Hóa bị phát hiện đã lập hồ sơ khống, ăn bớt thời gian đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm trục lợi nhiều tỷ đồng từ ngân sách.
UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương thu hồi khoản tiền thất thoát trong quá trình triển khai chính sách Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn.
Theo xác minh của Phòng An ninh kinh tế PA81 (Công an tỉnh Thanh Hóa), từ năm 2006 đến hết năm 2012, tỉnh Thanh Hóa đã duyệt chi hơn 22 tỷ đồng cho 220 đơn vị nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động ở các vùng nông thôn và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, nhiều địa phương, đơn vị đã lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi.
|
Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc vùng cao là một trong những ngành nghề đang được đầu tư kinh phí khôi phục phát triển ở Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng. |
Kiểm tra thí điểm 38 doanh nghiệp, tổ hợp kinh tế… cơ quan điều tra xác định, tất cả các đơn vị này đều mắc sai phạm với tổng số tiền thất thoát gần 3,6 tỷ đồng.
Trong 38 cơ sở có 26 đơn vị (gồm: huyện Tĩnh Gia 17 đơn vị, Đông Sơn, Thường Xuân, mỗi huyện có 3 đơn vị, còn lại là Hoằng Hóa, TP Thanh Hóa và Triệu Sơn, mỗi địa phương một đơn vị) nhận tổng số tiền hơn 1,72 tỷ đồng nhưng không mở lớp đào tạo nghề cho người lao động. Nội dung báo cáo trong hồ sơ xin kinh phí hỗ trợ không có thật; kê khai số người lao động nhiều hơn thực tế; một số đơn vị lập danh sách khống số người lao động.
12 đơn vị còn lại thuộc TP Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa, Quan Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân mỗi huyện có một đơn vị, nhận khoản tiền gần 1,87 tỷ đồng. Những huyện này tuy có mở lớp đào tạo nghề nhưng không đủ thời gian tối thiểu (2 tháng) theo quy định; đồng thời khai khống số người tham gia học nhiều hơn thực tế và không duy trì được nghề cho người học.
Cơ quan An ninh kinh tế kết luận, tất cả 38 đơn vị nêu trên đều có thủ đoạn gian dối, hợp thức hóa hồ sơ để chứng minh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề từ 6 tháng trở lên bằng cách lập danh sách bảng lương liên tục 6 tháng và tự ký vào phần ký nhận của người lao động.
Cũng theo Phòng PA 81, để xảy ra sai phạm nêu trên là do công tác thẩm định, xét duyệt hồ sơ của Sở Công thương, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện còn nhiều sơ hở, thiếu sót, có biểu hiện sai phạm…, nhiều cơ sở không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được ưu ái xét duyệt hỗ trợ kinh phí.
Sai phạm nêu trên được đoàn thanh tra liên ngành phát hiện trong thời gian dài nhưng không tham mưu, đề xuất cho tỉnh có hướng khắc phục những điểm bất hợp lý trong quá trình thực hiện.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã ký công văn yêu cầu các cơ quan liên quan khẩn trương thu hồi khoản tiền thất thoát, đồng thời tổ chức kiểm điểm, kỷ luật tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.
Ngày 7/7/2006, Chính phủ ban hành Nghị định 66 về việc phát triển ngành nghề nông thôn. Căn cứ Nghị định này và Nghị quyết số 48/2006 của HĐND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2409 (ngày 5/9/2006) và Quyết định bổ sung số 2541 (ngày 19/8/2008) quy định về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Chính sách này áp dụng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trực tiếp đầu tư, thu mua, tiêu thụ sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, du nhập nhân cấy nghề mới, khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống... Từ năm 2006 đến hết năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã duyệt chi hỗ trợ cho 220 đơn vị với số tiền hơn 22 tỷ đồng. |
( nguồn từ www.vnexpress.net )