Nhiều giáo viên, bảo mẫu quyết định gắn đời mình với những học trò khiếm khuyết từ sự đồng cảm với chồng con.
Căn phòng nhỏ của học sinh lớp 5 trường khiếm thính Hy vọng quận 8 (TP HCM) mỗi sáng đều sang sảng tiếng giảng bài của cô Trương Thanh Dung (51 tuổi). E ngại các bé không hiểu hết vấn đề dù đã có máy trợ thính, cô xuống tận bàn trao đổi, cầm tay chỉ cách viết và luyện phát âm cho chính xác.
Cô Dung cho biết, học sinh của trường đều bị khiếm thính, một số em khác còn bị đa tật nên việc dạy học khá vất vả. “Trước đây tôi dạy ở một trường mẫu giáo bình thường, song khi lấy chồng là người khuyết tật, tôi hiểu được những khó khăn của một người khiếm khuyết nên quyết định chuyển về đây dạy”, cô Dung nói về duyên nợ nghề giáo của mình.
Cô Dung đang luyện phát âm cho những học sinh khiếm thính. Ảnh: Nguyễn Loan
Lúc mới vào nghề không ít lần cô đứng khóc ngay giữa lớp vì cô giáo và trò không thể hiểu nhau. Nhiều em không nghe và hiểu được nên tỏ ra khó chịu, bức bối... không hợp tác với giáo viên. Do lúc đó chưa có cơ sở nào đào tạo các kỹ năng về dạy trẻ khuyết tật nên cô Dung vừa đi dạy vừa học hỏi đồng nghiệp cách dùng ký hiệu, âm giọng để giao tiếp trao đổi với học trò.
Sau này khi trường ĐH Sư phạm TP HCM mở ngành Giáo dục đặc biệt, mặc dù đang còn hai con nhỏ, chồng lại bị tật nhưng cứ thứ 7 và chủ nhật hàng tuần cô lại tranh thủ lên trường để theo đuổi khóa học với hy vọng mình có thể làm tốt hơn với cương vị là một giáo viên.
Không dừng lại ở đó, trong suốt 25 năm gắn bó với trường, bằng tình tình yêu thương trăn trở của một người mẹ cô đã tự mình mày mò tìm ra những phương pháp tối ưu nhằm cải thiện khả năng phát âm và nói cho học trò. "Thấy các em cứ ú ớ nói không tròn chữ tôi thương lắm. Không ít đêm tôi thức trắng suy nghĩ làm sao cải thiện tình trạng này", cô giáo già chia sẻ.
Từ những trăn trở đó, cô đã tự soạn ra nhiều sáng kiến được trường và thành phố công nhận như: một số biện pháp rèn phát âm cho học sinh khiếm thính; rèn viết cho học sinh đa tật; chính tả cho học sinh lớp 4 khiếm thính... Từ những đóng góp của mình, cô vừa được Sở Giáo dục TP HCM trao giải thưởng Võ Trường Toản - là giải thưởng vinh danh những giáo viên có đóng góp lớn cho nền giáo dục của thành phố nhân dịp 20/11.
Còn cô Đào Thị Mỹ Thanh (55 tuổi) cũng dành hết thời gian và tình yêu thương cho những đứa trẻ ở Trung tâm bảo trợ trẻ em Gò Vấp (quận Gò Vấp). Vốn là cô nhi lớn lên ở trung tâm, khi trưởng thành, thay vì đi tìm cho mình một cuộc sống riêng thì cô Thanh đăng ký làm bảo mẫu để chăm sóc các em nhỏ bị bỏ rơi, tật nguyền khi trung tâm thiếu người.
Không có gia đình, không người thân quen, nên tất cả tình thương yêu cô dành hết cho lũ trẻ. Được chúng gọi "má" một cách trìu mến, cô cũng xem chúng như con mình. "Được chăm sóc mấy đứa nhỏ là niềm vui của tôi mỗi ngày. Thế nên khi chúng ốm đau bệnh tật, suốt đêm tôi cũng không ngủ được", cô Thanh chia sẻ.
Gắn bó với công việc bảo mẫu 30 năm nay, cô cho biết, hồi trẻ cũng có người đề cập chuyện cưới xin nhưng họ tỏ ra e ngại với công việc của cô. Trước gợi ý chuyển chỗ làm để có thể xây dựng hạnh phúc riêng, cô Thanh đã chọn những đứa trẻ thiếu may mắn này, xem đó là mái ấm của mình.
"Tôi đã dành hết tình yêu thương của mình cho lũ trẻ", cô Thanh nói. Ảnh: Nguyễn Loan
Còn với bảo mẫu Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp Trần Thị Kim Anh, tình yêu của cô dành cho những đứa trẻ tật nguyền, bị bỏ rơi ở đây không khác gì dành cho con mình. Ngoài việc chăm sóc, các bảo mẫu ở trung tâm kiêm luôn vai trò của một giáo viên, một người mẹ khi phải dạy các em trò chuyện, giao tiếp, biểu thị cảm xúc...
Không may mắn như những người phụ nữ khác, cô và chồng chia tay sau vài năm chung sống. Vất vả thêm chồng chất khi đứa con đầu của chị bị kém phát triển về não còn đứa sau thì bị tật ở chân.
“Hiểu được những thiệt thòi mà con mình phải chịu, tôi cũng thương lây những đứa trẻ bị bỏ rơi này. Tôi đã xin vào đây để chăm sóc các cháu, ngoài mục đích mưu sinh”, chị Anh tâm sự. Phần lớn trẻ bị bỏ rơi ở trung tâm đều bị đa tật và rất khó nuôi, nhất là những cháu bị bại não phải nằm một chỗ. Nhiều người xin vào đây làm nhưng chỉ sau vài tiếng tiếp xúc với công việc đều xin nghỉ.
Nhà ở huyện Hóc Môn, 10 năm nay, sáng chị dậy thật sớm chuẩn bị cơm nước cho hai con, tất tả đưa con đi gửi rồi chạy hơn 25 km đến chỗ làm, đến tối mịt mới về nhà.
“Hai con thiếu tình thương của cha nhưng tôi thấy chúng còn may mắn khi còn có mẹ, chúng có thể chạy nhảy vui đùa chứ không chịu nhiều thiệt thòi như các em ở trung tâm. Tôi thường động viên con như thế mỗi khi phải trực đêm. Cũng nhờ thế mà các con tôi có tính tự lập từ nhỏ", chị Anh cho hay.