Phụ huynh đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối sáp nhập trường (16/09/2014)
Mặc dù đã khai giảng được 10 ngày, nhưng hàng trăm học sinh từ mầm non tới THCS ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa thể đến lớp. Lý do là bố mẹ cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập THCS Hương Bình với trường Hòa Hải và Phúc Đồng.
Ông Hoàng Công Lý, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, đề án sáp nhập các trường học là chủ trương chung của toàn tỉnh Hà Tĩnh. Huyện Hương Khê đã triển khai từ năm 2011, tới tháng 7/2014 THCS Hương Bình là ngôi trường cuối cùng trong lộ trình. Lý do là trường chỉ còn 8 lớp học, theo dự báo đến năm 2020 cũng không thể tăng số lượng học sinh, nếu duy trì sẽ không phù hợp với quy mô trường theo quy hoạch của tỉnh.
Với việc sáp nhập, 247 học sinh trường THCS Hương Bình sẽ được lựa chọn chuyển sang một trong hai trường THCS Hòa Hải hoặc THCS Phúc Đồng. Tuy nhiên, người dân đang có con em học tập tại ngôi trường này lại không đồng ý với chủ trương trên. Hàng trăm hộ dân đã không đưa con tới cơ sở mới nhập học. Những em mầm non, tiểu học ở trong xã Hương Bình cũng được cho nghỉ ở nhà để phản đối quyết định trên.
Trường THCS Hương Bình, nơi hàng ngày có rất nhiều phụ huynh tập trung ở đây để yêu cầu giữ lại. Ảnh: Đức Hùng
Ông Dương Danh Hoàn (66 tuổi, cựu giáo viên trường THCS Hương Bình) cho biết, Hương Bình là ngôi trường có truyền thống gần 100 năm, đang là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2011-2016. Người đàn ông này chia sẻ không ai có ý định chống đối, mà chỉ muốn cho con cái học ở một môi trường tốt, thuận tiện cho việc đi lại. Chuyển sang cơ sở mới đường xa, về mùa mưa lũ sẽ nguy hiểm, tai nạn luôn tiềm ẩn.
Theo tính toán, để đi học từ xã Hương Bình sang xã Hòa Hải và Phúc Đồng, học sinh đi xa nhất sẽ là 13 km, cả quãng đường đi và về là 26 km, như vậy sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe các em. Đại bộ phận người dân làm nghề đồng áng, phải đi từ sáng sớm, thu nhập bình quân 50.000 đồng/ngày, nếu phải cất công đưa con tới trường học, thời gian sẽ chiếm gần nửa buổi, suy ra sẽ mất hẳn một lao động chính, dẫn tới cuộc sống không đảm bảo.
Để yêu cầu giữ lại trường THCS Hương Bình, hơn 2 tháng nay, hàng trăm hộ dân xã Hương Bình thay phiên nhau trực cả ngày lẫn đêm tại trường. Trong sáng 15/9, có hàng chục người đứng trước cổng trường để bày tỏ quyết định không đồng tình. Theo ông Lê Quang Vinh, Bí thư xã Hương Bình, chính quyền đã nhiều lần khuyên nhủ, làm công tác tư tưởng, nhưng mọi người vẫn không thay đổi lập trường.
Chị Bạch Thị Quý (42 tuổi, xóm Bình Minh) cho biết, có ba người con đang học mầm non, cấp I, cấp II trên địa bàn, từ hôm khai giảng tới giờ đành phải để các con ở nhà. Theo người phụ nữ này, biết việc làm này là ngược lại với chủ trương, nhưng không còn cách nào khác, nhìn những đứa trẻ phải đi học với quãng đường dài đằng đẵng, chị không nỡ lòng.
Lý giải về việc chỉ những học sinh THCS phải sáp nhập, nhưng bố mẹ lại đồng loạt cho các em đang học mầm non và tiểu học nghỉ ở nhà thì tất cả đều viện dẫn, nếu như con em họ học hết cấp I, rồi cũng phải lên cấp II, và khi đó cũng sẽ phải lặn lội đường xa để đến những ngôi trường kia, kết quả vẫn sẽ là nguy hiểm.
Em Nguyễn Văn Đức (cựu học sinh lớp 7 trường THCS Hương Bình) buồn rầu kể, thấy các bạn vào học đã 10 ngày, em cũng muốn đi học, nhưng bố mẹ không cho mạo hiểm đường xa. Nguyện vọng của em là muốn học ở một ngôi trường gần, tiện bề đi lại.
Từ ngày tựu trường tới nay, các trường học ở xã Hương Bình vắng tanh. Trường Mầm non Hương Bình mỗi ngày chỉ có 26 trên tổng số 215 em, trường Tiểu học có 28/255, trường THCS Hương Bình có hơn 60/247 em tới cơ sở mới sát nhập.
“Trước thực trạng này tôi rất lo lắng, mặc dù đưa ra nhiều biện pháp như cho giáo viên đến từng nhà vận động, thuyết phục từng học sinh, nhưng kết quả đều không ăn thua. Nhà trường sẽ kiên trì thuyết phục phụ huynh, mong họ hiểu việc học tập là rất quan trọng, không thể vì bất bình việc sáp nhập trường mà làm lỡ dở việc học tập của con trẻ”, cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hương Bình nói.
Lớp 2B của trường Tiểu học Hương Bình trong sáng 15/9 chỉ có một học sinh. Ảnh: Đức Hùng
Trao đổi về những khó khăn của phụ huynh và học sinh khi đi học xa, ông Hoàng Công Lý khẳng định các ngôi trường trong toàn huyện càng ngày càng ít học sinh, nên nhập trường là đúng, nếu để lại sẽ xảy ra tình trạng thừa giáo viên. "Người dân cần hiểu và đồng thuận, huyện sẽ có những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ cho những gia đình khó khăn để con em có thể tới trường một cách an toàn nhất", ông Lý nói.
Cách huyện Hương Khê khoảng 100 km, ở huyện Kỳ Anh cũng đang xảy ra tình trạng phụ huynh cho con em nghỉ học hàng loạt. Chiều 15/9, ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện thông tin, tới nay 80/501 học sinh trường Tiểu học Kỳ Lợi và 52/286 em trường THCS Kỳ Lợi vẫn chưa đến điểm trường ở khu Tái định cư xã Kỳ Phương học tập.
Giải thích về nghịch lý này, ông Sum cho hay, trong quá trình giải tỏa đền bù làm Khu kinh tế Vũng Áng, có 155 hộ dân chưa được nhận tiền đền bù, nên vẫn chưa di dời về khu tái định cư. Để gây sức ép với chính quyền địa phương, họ đã ngăn không cho con em đến trường.
Trước tình trạng đó, các cấp chính quyền huyện Kỳ Anh đã nhiều lần cử cán bộ, giáo viên tới tuyên truyền, vận động để các em có thể hưởng tất cả quyền lợi. Cũng theo ông Sum, các trường học ở khu tái định cư đều được xây mới rất khang trang, huyện đã trích kinh phí gần 100 triệu một tháng để thuê 2 xe bus hàng ngày đưa đón học sinh xã Kỳ Lợi tới khu tái định cư đi học.