Trượt Đại học Bách khoa, Công nộp nguyện vọng 2 vào Học viện Kỹ thuật mật mã và trở thành thủ khoa đầu ra năm nay.
Nguyễn Trí Công (Hà Nội) mới tốt nghiệp nhưng đã đi làm được gần hai năm. Cậu được công ty chuyên về an toàn thông tin ký hợp đồng ngay sau khi nhận bằng. Công việc của Công là kiểm tra, đánh giá hệ thống bảo mật an toàn và cung cấp các dịch vụ về giải pháp an toàn cho khách hàng.
|
Đến với an toàn thông tin nhờ duyên, Nguyễn Trí Công ngày càng thấy mình đam mê và phù hợp với công việc hiện tại. Ảnh: Hoàng Phương. |
Tân thủ khoa không tiết lộ mức lương nhưng cho biết: "Lương không như nhiều người mơ ước nhưng với sinh viên mới ra trường như vậy là ổn. Em thấy mình may mắn hơn nhiều sinh viên khác chưa có việc làm. Môi trường làm việc khiến em phát huy được khả năng của bản thân là điều quan trọng nhất".
Ban đầu, Công thi vào ngành điện của ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng thiếu điểm. Thấy ngành an toàn thông tin của Học viện Kỹ thuật mật mã mới lạ nên cậu nộp nguyện vọng 2 và trúng tuyển. Trải qua năm thứ nhất, Công ngày càng hứng thú và đam mê với ngành học hơn.
Khi còn là tân sinh viên, Công được các anh chị khóa trước hướng dẫn cho cách học thế nào để dễ dàng tiếp cận với chuyên ngành. Các sinh viên trong trường đi làm rất sớm. Nhiều người đi dạy cho các trung tâm phần mềm về bảo mật thông tin ngay từ năm thứ hai. Công được nhận vào nơi đang làm với mức lương 2 triệu đồng cho nhân viên thực tập. Thời sinh viên của cậu là những ngày vừa học, vừa đi làm thêm và cùng bạn bè tham gia các cuộc thi về an toàn thông tin.
Năm 2013, Công cùng 3 sinh viên đại diện cho Học viện Kỹ thuật mật mã tham gia cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin. Ở vòng chung kết khu vực miền Bắc, đội của Công ẵm giải nhì, xếp sau ĐH Bách khoa Hà Nội. Đến khi vào vòng chung kết toàn quốc, họ lại bất ngờ vượt lên đứng thứ 3 sau ĐH Công nghệ Thông tin (ĐH Quốc gia TP HCM) và ĐH Bách khoa TP HCM, vượt lên cả đối thủ về nhất trước đó.
Sau cuộc thi, Công được một số công ty chuyên về an toàn thông tin, trong đó có phòng an toàn thông tin của một tập đoàn viễn thông mời gọi đi phỏng vấn, nhưng cậu từ chối. "Em nghĩ mình chưa đủ khả năng đáp ứng cho vị trí được mời và muốn tích lũy thêm kinh nghiệm ở nơi mình đang làm việc", cậu cười lý giải.
Ở nơi làm việc, những người đi trước luôn tạo điều kiện cho cậu được tiếp xúc với nhiều khách hàng dù là "tân binh". Điều đó giúp Công có thêm kiến thức, kinh nghiệm quý báu và tăng kỹ năng giao tiếp cũng như nhận ra được xu hướng phát triển của ngành nghề mình đang làm.
|
Trí Công cùng thầy cô và các bạn trong đội tuyển của Học viện Kỹ thuật mật mã giành giải ba trong cuộc thi Sinh viên với an toàn thông tin toàn quốc năm 2013. Ảnh:NVCC. |
"Nhiều công ty cho rằng sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm nên không nhận hoặc nhận mà không để ý bồi dưỡng. Quan trọng là phải cho cơ hội để bọn em được rèn luyện, có kinh nghiệm cũng như phát huy khả năng của mình", thủ khoa chia sẻ.
Chàng thủ khoa cũng cho rằng, là sinh viên ngành nào thì từ những năm đầu tiên cũng nên đi làm thêm, cố gắng tiếp xúc với môi trường làm việc gần với ngành mình học nhất để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp. Sớm hay muộn không quan trọng lắm, quan trọng là nên rèn luyện trước khi rời ghế nhà trường.
"Thực tế thi vào trường đại học có thể một chọi với 10 người, nhưng tìm kiếm việc làm thì có thể chọi với cả trăm người, thậm chí nhiều hơn. Nếu không trang bị cho mình được những kỹ năng cần thiết như giao tiếp, làm quen với môi trường, cách làm việc hiệu quả thì rất dễ bị đào thải. Vậy nên cần tích lũy thật nhiều khi còn là sinh viên", Công rút ra kinh nghiệm sau hai năm đi làm.
Danh hiệu thủ khoa khiến Công bất ngờ vì trước đó chỉ học bình thường, không thi đua để giành điểm số. Cậu cười bảo đã cất đi hào quang sau đêm vinh danh và trở lại người bình thường. Danh hiệu đó chỉ đánh giá được quá trình rèn luyện vài năm ngắn ngủi, đi làm có nhiều điều khác xa so với những gì học trong trường.
An toàn thông tin là ngành còn mới mẻ nên tân cử nhân muốn có kiến thức thật vững để giúp nhiều người biết đến. Trong thời gian tới, Công dự định học tiếp lên cao để nâng cao trình độ chuyên môn.
( nguồn từ www.vnexpress.net )